Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Adam Kirsch | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Dexter
28/09/2016
Mặc cho tất cả những đột phá về công nghệ, chúng ta vẫn đang vật lộn với những câu hỏi cơ bản giống như những triết gia thời kỳ Khai sáng.

Chúng ta thích nghĩ là mình đang sống trong một kỷ nguyên của những thay đổi chưa từng có. Cứ thử nhìn những thứ có ở khắp mọi nơi mà chưa hề tồn tại một thế kỉ trước mà xem – du lịch hàng không, TV, du hành vũ trụ, Internet. Nếu có thể đưa một người từ năm 1916 đến thời hiện tại, chúng ta hẳn sẽ có chút tự hào khi hỏi rằng, chẳng phải người đó sẽ bị choáng ngợp bởi tất cả những thay đổi sao? Và, hẳn là anh ta sẽ như vậy rồi, ít nhất là trong một vài ngày, cho đến khi anh ta hiểu được mọi thứ vận hành thế nào. Nhưng một điều sẽ rất quen thuộc với một kẻ du hành thời gian như vậy là: niềm kiêu hãnh, đi kèm với đó là nỗi lo âu, mà chúng ta có về sự hiện đại của mình. Bởi như chúng ta, những người sống ở đầu thế kỉ hai mươi cũng nhận thức được rõ ràng sự hiện đại của chính thời đại họ, và cũng vì những lý do tương tự. Sau tất cả, họ có lẽ cũng nói rằng, tưởng tượng một người du hành từ năm 1816 đến 1916: người đó sẽ nghĩ gì về những đường ray tàu, điện báo, súng liên thanh, và tàu hơi nước?

Sự hiện đại không thể được xác định thông qua những đột phá về công nghệ hay xã hội. Thay vì thế, đó đều là những điều kiện chủ quan, một cảm giác hoặc trực giác rằng chúng ta theo một cách vĩ đại nào đó khác biệt với những người sống ở thời đại trước. Cuộc sống hiện đại, mà chúng ta thường cho là một chuỗi những sự tiến bộ và tích lũy về kiến thức, của cải, và sức mạnh trước thiên thiên, được xây dựng trên một sự mất mát: mất mát về sự liên hệ với quá khứ. Tùy thuộc vào quan điểm của bạn, điều này có thể được hiểu là sự mất gốc hoặc giải thoát; phần lớn chính trị hiện đại được xác định dựa trên cách suy nghĩ bạn chọn khi trả lời câu hỏi này. Nhưng nó lúc nào cũng rối rắm cả.

Sự hiện đại không thể được xác định thông qua những đột phá về công nghệ hay xã hội. Thay vì thế, đó đều là những điều kiện chủ quan, một cảm giác hoặc trực giác rằng chúng ta theo một cách vĩ đại nào đó khác biệt với những người sống ở thời đại trước.

Nếu chúng ta muốn tìm kiếm nguồn gốc thực sự của thế giới hiện đại, thì, chúng ta phải tìm ra thời điểm khi mà thế giới thực sự bị đảo lộn theo nghĩa đen – bị tước mất khái niệm phương hướng của mình. Thuyết nhật tâm (heliocentrism), học thuyết khẳng định rằng trái đất quay xung quanh mặt trời chứ không phải ngược lại, được công bố bởi Copernicus vào năm 1543 và được đấu tranh bởi Galileo vào đầu thế kỷ 17. Công bố này ngay lập tức khiến cho thế giới như bị trật bánh, như John Donne đã viết trong bài thơ năm 1611 “An Anatomy of the World” (Tạm dịch: Giải phẫu Thế giới): “Mặt trời biến mất rồi, và trái đất, và chẳng một ai/Có thể giúp ta tìm ra nó.” Hơn hai trăm năm mươi năm sau, Nietzsche cũng quay cuồng trong một sự mất phương hướng tương tự về vũ trụ: “Chúng ta sẽ làm gì khi chúng ta gỡ trái đất ra khỏi mặt trời? …  Chúng ta sẽ cứ rơi xuống sao? Về phía sau, sang bên cạnh, lên phía trước, trong tất cả mọi hướng? Có một sự lên hay xuống nào không?” Hiện đại là một cảm giác choáng váng đã bắt đầu từ thế kỷ mười sáu và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.

Nietzsche thường được coi là một triết gia, Donne là một nhà thơ, và Galileo là một nhà khoa học. Nhưng, một trong những mệnh đề trong quyển sách mới của Anthony Gottlieb, “The Dream of Enlightenment” (Liveright) (Tạm dich: Giấc mơ thời Khai sáng) – tác phẩm thứ hai của ông viết về lịch sử triết học phương Tây theo một cách rõ ràng và dễ tiếp cận – là, tư tưởng không thể được phân loại theo kiểu lĩnh vực như vậy. Đặc biệt với triết học, sự phân loại kiểu này sẽ gây lầm lẫn. Ngày nay, chúng ta thường có xu hướng nghĩ về triết học như một sự theo đuổi học thuật mang tính chuyên môn: một triết gia là một giáo sư triết học. Nhưng cách mô tả này không phù hợp với bất cứ một nhà sáng lập nào của triết học hiện đại mà Gottlieb đã bàn tới. Một vài người trong số họ là những nhà toán học: René Descartes phát minh ra hệ tọa độ Cartesian với trục x và y, và Gottfried Leibniz đặt nền tảng cho giải tích (cùng khoảng thời gian, nhưng độc lập với Isaac Newton). Một số là những chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau: Baruch Spinoza chế ra những thấu kính cho các dụng cụ quang học; John Locke là một bác sĩ và nhà ngoại giao. Và một số còn là nhà văn, như David Hume, một người mà ở thời của mình được biết đến nhiều hơn với cuốn “History of England” (Tạm dịch: Lịch sử nước Anh) hơn là các tác phẩm triết học của ông. Thường thì, họ là những người tham gia nhiều lĩnh vực.

Như Gottlieb đã viết trong tuyển tập trước đó của ông, “The Dream of Reason” (Tạm dịch: Giấc mơ của Lý tính), tuyển tập tổng kết lại những trường phái suy nghĩ từ thời Hy Lạp cổ đại đến thời Phục Hưng, thì một trong những góc nhìn chính của ông là, “Lịch sử triết học là lịch sử của những bộ óc tò mò hơn là lịch sử của những lĩnh vực được phân định rõ ràng.” Bạn có lẽ sẽ nói rằng triết học là những suy nghĩ sơ khai mềm dẻo đầu tiên, trước khi cô đặc lại thành một lĩnh vực khoa học, như tâm lý học hay vũ trụ học. Khi những nhà khoa học nghiên cứu về cách thức suy nghĩ của con người hay việc vũ trụ được tạo ra thế nào, họ đang giải quyết chính những câu hỏi được đưa ra bởi triết học từ hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn năm trước. Theo Gottlieb quan sát thì, đây là lý do tại sao mọi người than phiền rằng triết học có vẻ như chẳng bao giờ tiến triển: “Bất cứ một khía cạnh nào khi bắt đầu được coi là hữu dụng thì sẽ không còn được coi là triết học nữa.”

Bởi vậy, triết học không nên được coi là một ván cờ dài cả thế kỉ, với những nhà tư tưởng thay phiên nhau trong một trò chơi trí tuệ trừu tượng. Ví dụ như, triết học ở thế kỷ mười bảy và mười tám thường được coi là một cuộc chiến giữa “những nhà duy lý”1 và “những nhà duy nghiệm.”2 Theo cách nhìn này, tất cả mọi người từ Descartes đến Hume đều tham gia vào một trận chiến dài tranh luận về việc rốt cuộc sự thật phải được tìm ra “tại đây,” qua tư duy logic chặt chẽ theo mô hình toán học, hay “ngoài kia,” qua quan sát về thế giới. Cuộc tranh cãi này, cuối cùng, được giải quyết bởi Immanuel Kant, vào cuối thế kỷ mười tám, khi ông tìm ra được cách để cho thấy là cả hai bên đều đúng, bởi mọi nhận thức đều được sàng lọc qua những bộ phân loại áp đặt bởi trí não.

Khi những nhà khoa học nghiên cứu về cách thức suy nghĩ của con người hay việc vũ trụ được tạo ra thế nào, họ đang giải quyết chính những câu hỏi được đưa ra bởi triết học từ hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn năm trước.

Có một sự thật là – nguồn gốc của kiến thức chắc chắn là mối quan tâm của những nhà tư tưởng này. Nhưng Gottlieb, không phải một người trong giới học thuật và dành phần lớn sự nghiệp của mình để làm báo – ông là cựu tổng biên tập của The Economist – nhận thấy rằng họ đều ở trong một thế giới rộng lớn hơn nhiều. Suy nghĩ của họ bị tác động không chỉ bởi những triết lý từ thời kỳ trước đó mà còn bởi cả chính trị, tôn giáo, và khoa học – tất cả đời sống tri thức và tinh thần trong thời đại của họ. Và bởi những thời kỳ ấy quá hỗn loạn nên họ mới có thể suy nghĩ một cách mới lạ và khác biệt như vậy. Những thời kỳ mà mọi thứ đều có thể bị mổ xẻ rất hiếm hoi, và những thời kỳ như vậy khiến triết học trở nên cực kỳ năng suất. Như Gottlieb chỉ ra, phần lớn triết học phương Tây mà còn ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay là sản phẩm chỉ của hai thời kỳ: Athens vào thế kỷ thứ năm và thứ tư TCN và Tây Âu vào thế kỷ mười bảy và mười tám SCN.

Chúng ta khó có thể hiểu được nhận thức ở phương Tây đã hoàn toàn biến đổi như thế nào ở thời kỳ thứ hai, đơn giản bởi chúng ta sống trong thời hậu thế của nó. Chỉ trong một vài thế kỷ trước đó, mọi quan điểm cố định đã dẫn dắt thế giới trong hàng ngàn năm bắt đầu lung lay. Việc tìm ra châu Mỹ phá hủy nền tảng kiến thức địa lý trước đó, và cuộc Cải cách (the Reformation)3 phá hủy nền tảng Nhà thờ đã được thiết lập, và thiên văn học phá hủy nền tảng tư duy về vũ trụ. Mọi thứ mà những người được giáo dục tin tưởng, cho là sự thực, hóa ra là một sai lầm, hay tệ hơn nữa, một lời nói dối. Thật khó tưởng tượng bất cứ thứ gì, nếu có đi chăng nữa, có thể gây ra một ảnh hưởng tương tự cho chúng ta ngày nay. Ngay cả việc khám phá ra sự sống ngoài hành tinh cũng không thể làm được điều đó, bởi chúng ta từ lâu đã mong đợi một khám phá như vậy rồi, trong khi Châu Âu Trung Cổ chẳng thể dự đoán trước được sự tồn tại của Châu Mỹ, hay thậm chí là điện.

Có lẽ bằng cách nào đó nếu ta xác minh được, như một vài nhà tư tưởng đã dự đoán, rằng thế giới của chúng ta thực ra được giả lập trên máy tính bởi một nền văn minh tột bậc không thể hiểu được, chúng ta sẽ có một cảm giác vừa hoang mang vừa khả thi tương tự. Việc đó sẽ thúc đẩy những câu hỏi mà từng là trung tâm của thế giới triết học trong hai thời kỳ Gottlieb nhắc tới, nhưng theo một cách mới. Sự tồn tại của một sự vật có ý nghĩa gì với chính bản thân nó? Và tại sao mọi thứ lại tồn tại? Những câu hỏi siêu hình học như vậy là thứ mà, ngay từ buổi ban đầu, đã gây tiếng xấu cho triết học, bởi với những người thực tế thì những câu hỏi kiểu đó chẳng mang lại tích sự gì. Đó là lý do vì sao mà nhà hài kịch Aristophanes, trong vở “The Clouds” (Tạm dịch: Những đám mây), đã mô tả Socrates qua việc ông tranh luận về những câu hỏi như tiếng vo ve của một con bọ xuất phát từ mũi hay hậu môn của nó. Tất nhiên là chẳng ai biết, nhưng cũng chẳng ai quan tâm.

Tuy nhiên, chúng ta không thể không quan tâm đến những thứ như sự tồn tại và ý nghĩa, bởi đây là những khái niệm cơ bản cấu thành nên những trải nghiệm của chúng ta trong thế giới này. Những người nói rằng họ không quan tâm đến siêu hình học thì thực ra là quan điểm của họ về những chuyện như vậy đã quá chắc chắn đến nỗi vấn đề đó không còn tồn tại trong nhận thức của họ nữa, cũng như bạn không để ý đến nhịp đập của tim mình vậy. Những triết gia là những người mà, vì một lý do nào đó – mà Plato gọi là cảm giác kì thú (sense of wonder) – cảm thấy cần phải làm cho những thứ trông có vẻ hiển nhiên trở nên thật lạ lùng. Khi họ cố để diễn giải những cái sự lạ lùng hay kì thú cơ bản, phổ biến đó với những người khác, họ thường nhận ra là mọi người không thích việc đó. Đôi khi, như trong trường hợp của Socrates, mọi người sẽ không thích đến nỗi xử tử những nhà triết học4. Còn thường thì, họ đơn giản là phớt lờ các triết gia.

Nhưng thế kỷ mười bảy và mười tám là một trong những thời kỳ hiếm hoi mà rất nhiều người quan tâm (đến triết học), bởi thế giới quan của họ đang bị sụp đổ một cách kinh khủng. Những người có giáo dục – và, nhờ có ngành in ấn mà giờ có nhiều người như vậy hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó – háo hức được nghe các triết gia đưa ra những câu trả lời mới cho những câu hỏi xưa cũ. Nếu tất cả mọi thứ bạn nghĩ là bạn biết thực ra là sai, liệu bạn còn có thể tự tin rằng kiến thức của mình là chính xác? Kiến thức đến từ đâu? Vật chất được tạo thành từ gì? Liệu có Chúa Trời không, và nếu có, ngài là kiểu sinh vật như thế nào?

Theo Gottlieb, đó là những câu hỏi gây cảm hứng cho các triết gia, bắt đầu từ Descartes. Sinh năm 1596, Descartes là kiểu người mà thời đó được coi là “một nhà triết học tự nhiên,” hoặc như chúng ta thì gọi là nhà khoa học. Chuyên môn của ông, bên cạnh toán học, bao gồm cả quang học, sinh lý học, và khí tượng học. Gottlieb viết, ông “quá ấn tượng với máy móc và tất cả những thể loại dụng cụ cơ khí kỳ quặc, đến nỗi có một tin đồn lan truyền rộng rãi là ông thường mang theo bên mình một con búp bê cỡ người thật trông giống y hệt cô con gái ngoài giá thú của ông, Francie.”

Tin đồn này nghe rất đáng tin, bởi Descartes đã luôn biện luận cho một cách nhìn cơ giới (mechanistic view)5 về tự nhiên. Trong hàng thế kỷ, khoa học trường phái Aristotle dạy rằng các đơn vị cơ bản của sự tồn tại là các thực thể (substances), chứa đựng những tính chất hay “ngẫu tính” (accidents): bởi vậy, một con bò là một thực thể, và sự đỏ của thịt bò là một ngẫu tính. Descartes bác bỏ kiểu phân biệt này, khẳng định rằng, thay vì vậy, mọi thứ vật chất tồn tại đơn giản là các chất trong không gian. Những đặc điểm sơ cấp của tự nhiên là những đặc điểm như “độ nặng và độ rắn,” tức là những đặc điểm mô tả cấu trúc vật lý của vật chất. Còn những đặc điểm thứ cấp, như “độ sáng và màu sắc, âm thanh, mùi, vị,” v.v., thì mang tính chủ quan. Chúng hiện hữu với con người bởi đặc điểm cấu trúc giác quan của chúng ta, chứ không phải là bởi chúng là những tính chất sẵn có của sự vật.

Một cách khác để diễn giải điều này là Descartes mô tả thực tế thông qua những tính chất có thể đo lường được dựa trên toán học. Bản thân Descartes là một nhà toán học lẫy lừng, nhưng ông không phải là triết gia đầu tiên cho rằng toán là tiêu chuẩn vàng của sự thật: Pythagoras và Plato đã làm vậy từ hai ngàn năm trước rồi. Trong một cuộc hội thoại được biết đến là Meno, Plato kể lại việc Socrates dạy một chú bé nô lệ định lý của Pythagoras – hay đúng hơn là, dẫn dắt để cậu bé tự tìm hiểu. Cuộc hội thoại cho thấy sự quyến rũ của toán học, rằng mỗi bước suy luận đều tuân theo bước trước đó một cách chặt chẽ, khiến những nghi ngờ hay sai lầm không thể xảy ra. Bạn có thể làm toán sai, nhưng một khi bạn đã đúng thì bạn biết là bạn đúng.

Nếu tất cả mọi thứ bạn nghĩ là bạn biết thực ra là sai, liệu bạn còn có thể tự tin rằng kiến thức của mình là chính xác? Kiến thức đến từ đâu? Vật chất được tạo thành từ gì? Liệu có Chúa Trời không, và nếu có, ngài là kiểu sinh vật như thế nào?

Plato giải thích điều này bằng việc tâm hồn đã có một cuộc đời trước khi mỗi người được sinh ra, mà ở đó nó đã học về những sự thật trong toán học, thế nên học thực sự là một cách thức ghi nhớ. Descartes thì thấy là một câu chuyện như vậy chẳng được tích sự gì, bởi nó còn đặt ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời. Nhưng, ông cũng bị hấp dẫn bởi sự chắc chắn mà toán học mang lại, và trong tác phẩm “Meditations” (Tạm dịch: Suy ngẫm) của mình ông tuyên bố rằng ông đã đạt được sự chắc chắn đó. Ông viết như sau, đầu tiên là, bạn phải nghi ngờ tất cả mọi thứ bạn biết, nghĩ, và nhận thức; giả định rằng những thứ đó đều là ảo ảnh thôi, như kiểu giấc mơ vậy. Rồi sau sự chối bỏ này, còn có thứ gì chắc chắn tồn tại không? Có đó, Descartes lý luận: là chính bản thân sự nhận thức của tôi. Nếu tôi không tồn tại như một tâm trí, thì sẽ chẳng có cái “tôi” nào bị đánh lừa bởi những đặc điểm bên ngoài cả. Tôi tư duy, nên tôi tồn tại – Cogito ergo sum.

Từ nền tảng chắc chắn này, Descartes tin rằng ông có thể suy ra một cách chính xác một nguyên tắc quan trọng nữa: sự tồn tại của một Chúa trời tốt, người đảm bảo sự thật về nhận thức của tôi và bởi vậy chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của thế giới. Nhưng ở điểm này hầu hết mọi người cho rằng Descartes đã bị lẫn lộn. “Cái sự đảm bảo của Chúa chẳng đáng để Descartes viết cả bài luận như vậy,” Gottlieb nhận xét. Và, nếu Chúa không tồn tại, thì tất cả những gì Descartes đã làm là bỏ mặc những cá nhân mắc kẹt trong “nhà tù ý tưởng của chính mình,” không thể chứng minh rằng điều ông đã trải nghiệm có bất cứ nền tảng thực tế nào. Quả thực, Descartes không bao giờ tìm được một giải pháp thỏa đáng cho câu hỏi về sự tương tác giữa tâm trí và vật chất. Ông nổi tiếng với việc cho rằng tuyến tùng (pineal gland) chính là điểm kết nối (giữa tâm trí và vật chất), dù việc một tuyến não bộ tiếp cận tâm hồn phi vật chất như thế nào thì không hề rõ ràng.

Gottlieb cho rằng Descartes hẳn sẽ thất vọng nếu biết là ông đã khơi dậy cả một thời kỳ mới của triết học. Ông đã nghĩ rằng sẽ không có thêm một thứ triết học nào sau thời của ông nữa, vì ông đã giải quyết mọi vấn đề rồi; sẽ chỉ có những thí nghiệm thực chứng là còn tồn tại thôi. Vậy mà trong khi khoa học đạt được những thành tựu tuyệt vời những năm sau đó – thời kỳ Newton tìm ra trọng lực và Boyle đặt nền móng cho ngành hóa học – thì triết học không hề im hơi lặng tiếng. Khi những ngành khoa học mới càng khẳng định cái nhìn cơ giới của Descartes về vũ trụ, thì việc đặt câu hỏi vật chất và tâm trí là gì và chúng phối hợp với nhau như thế nào lại càng cần thiết.

Một số câu trả lời mà những trí tuệ xuất chúng nhất thời kỳ đó tìm ra có thể lại nghe kỳ quặc trong bối cảnh ngày nay. Như trường hợp của Gottfried Leibniz, sinh năm 1646, người mà Gottlieb gọi là “nhà thông thái vĩ đại nhất sau Aristotle.” Khi Leibniz cố gắng giải quyết vấn đề tâm trí và vật chất tương tác thế nào, ông đưa ra một luận điểm kỳ lạ mới: chúng không hề tương tác. Ông tin rằng, mọi sự vật tồn tại được cấu thành bởi những đơn vị gọi là đơn tử (monad), và những đơn tử này hoàn toàn không có một cách thức nào để ảnh hưởng hay giao tiếp với nhau – Leibniz gọi chúng là “không có cửa sổ” (windowless). Mỗi đơn tử có số phận của riêng mình, và nó hoạt động và chuyển động hoàn toàn độc lập. Nếu thế giới trông giống như một chuỗi những nguyên nhân và hệ quả, thì đó là do đơn tử được lập trình để hoạt động theo một cách mà trông có vẻ như là chúng tương tác với nhau. Sự “hài hòa có từ trước này” được đảm bảo bởi một Chúa trời tốt bụng.

Nếu triết học là một sự chối bỏ những cảm nhận thông thường, thì ý tưởng của Leibniz quả là rất triết – đến nỗi nó quá tải ngay cả với hầu hết những đồng nghiệp triết gia của ông. (Hegel6 gọi những ý tưởng đó là “một sự lãng mạn siêu hình học.”) Nhưng vì nỗi tuyệt vọng muốn trả lời câu hỏi mà Descartes đã không thể giải quyết, Leibniz bị thu hút bởi cái sự kỳ quái hiển nhiên của việc chối bỏ mối quan hệ nhân quả: Làm thế nào để tâm trí phi vật chất có thể ảnh hưởng đến cơ thể vật chất, và ngược lại? Ngay cả trong thời nay, những nhà khoa học nhận thức cũng phải vật lộn để hiểu được nhận thức sinh ra từ vật chất như thế nào, dù một vài người nghi ngờ việc này. Tương tự, như Gottlieb viết, ý tưởng rằng “cơ thể vật chất … không hẳn như chúng trông có vẻ như vậy, nhưng lại là những hình dạng duy nhất được xây nên một cách nào đó bởi đơn tử” nghe có vẻ ít vô lý hơn nếu xem xét dưới quan điểm của học thuyết dây đương đại (contemporary string theory), học thuyết khẳng định tất cả mọi thứ đang tồn tại là sản phẩm của những sự vật dao động một chiều. Và cả hai ý tưởng này đều có thể được xem là sự chắt lọc từ ý tưởng đầu tiên của triết học phương Tây, lời khẳng định bí ẩn của Thales7 rằng tất cả mọi thứ đều là nước. Và trong trường hợp nào thì các học thuyết cũng chối bỏ việc thế giới ta vẫn thấy là hiện thực, và cố gắng tìm ra một thứ gì đó nguyên bản hơn để giải thích. Để trả lời câu hỏi triết học này, một hành trình khoa học khác là điều cần thiết, nhưng ở điểm bắt đầu hay cuối con đường chúng ta cũng đều tìm thấy một cảm giác kì thú như nhau.

Một trong những cái tên phổ biến nhất cho những thứ không giải thích được là Chúa: Chúa là cách chúng ta trả lời những câu hỏi về sự tạo ra và mục đích mà chúng ta không thể lý giải theo bất cứ cách nào khác. Chắc chắn là, cả Descartes và Leibniz đều dựa vào Chúa để cân bằng phương trình của vũ trụ. Nếu không có ngài, họ tin rằng, thế giới sẽ vô nghĩa. Chúa trời của các nhà triết học không nhất thiết cũng phải là vị Chúa trong Kito Giáo, nhưng ngài cũng có một số khả năng trấn an quen thuộc, như là sự nhân từ và cái nhìn thấu cả thế giới. Nhưng Baruch Spinoza, một nhà cách mạng tư tưởng khác của thế kỷ mười bảy, còn đi xa hơn khi chiêm nghiệm lại ý niệm về Chúa, theo một cách kỳ dị đến mức tên của ông nhanh chóng trở thành từ đồng nghĩa với chủ nghĩa vô thần nguy hiểm. Vấn đề của Spinoza với tôn giáo có tổ chức bắt đầu từ rất sớm: Ở tuổi hai mươi ba, ông bị đuổi khỏi cộng đồng người Do Thái ở Amsterdam bởi những quan niệm dị giáo của mình.

Sự dị giáo của Spinoza, sau này được phân tích trong kiệt tác của ông, “Ethics” (Tạm dịch: Đạo đức), không hề chối bỏ sự tồn tại của Chúa. Thay vì vậy, Spinoza khiến Chúa trở nên quan trọng với thế giới đến nỗi sự phân biệt giữa hai khái niệm này sụp đổ. Spinoza lập luận rằng, không thể có hai thực thể trong cùng một vũ trụ, một trần thế và một thần thánh, bởi nó hàm chứa một sự mâu thuẫn về mặt logic. Nếu Chúa và Tự nhiên khác nhau, thì hẳn là Tự nhiên phải có một đặc điểm gì đó mà Chúa không có, và việc một đấng toàn năng lại thiếu một thứ gì đó thì thật không hợp lý. Vậy nên Chúa và Tự nhiên chỉ là hai cái tên cho cùng một thứ, một Thực thể bao gồm tất cả mọi thứ từng tồn tại hoặc vẫn luôn tồn tại.

Ý tưởng kỳ dị này, được biết đến là thuyết phiếm thần (pantheism), gây ra những hệ quả kỳ lạ và nghịch lý. Một mặt, nó thần thánh hóa vũ trụ, tức là nó đưa Chúa đến rất gần chúng ta – quả thực, nó khẳng định rằng bản thân chúng ta là một phần của Chúa. Mặt khác, một vị Chúa nội tại như vậy thì không phải là người dõi theo thế giới, lắng nghe những lời cầu nguyện, và trừng phạt kẻ có tội. Do cách hiểu này nên những người cùng thời với Spinoza gọi ông là một kẻ theo chủ nghĩa vô thần: ông khiến cho Chúa trở nên không thể nhận diện được nữa. Ông cũng bạo dạn hơn nhiều nhà triết học khác khi khẳng định một điều mà chắc chắn nhiều người trong số họ tin tưởng, rằng Kinh thánh là một văn bản của con người, chẳng mang một thông tin đặc quyền nào về các sự kiện lịch sử hay đặc điểm của đấng tối cao. Bởi vậy nó nên được đọc và nghiên cứu như bất kì một cuốn sách nào khác, với sự xem xét cẩn trọng về mục đích của các tác giả và những sai lầm đã xảy ra trong suốt những năm được lưu truyền. Cách tiếp cận vô thần, lý tính này với Kinh thánh khiến Spinoza có thể được xem là người khơi mào cho việc chỉ trích Kinh thánh.

Một hệ quả không mong đợi từ chủ nghĩa phiếm thần của Spinoza là nó loại bỏ khả năng tồn tại của ý chí tự do, hay bất kì một thứ gì tương tự. Cuối cùng, nếu tất cả mọi thứ là Chúa, và Chúa là tuyệt đối, thì không thể nào có chuyện mọi thứ có thể xảy ra khác với cách mà chúng vẫn xảy ra. Nếu chúng ta có đủ kiến thức về việc thế giới vận hành thế nào, chúng ta “sẽ thấy rằng tất cả mọi thứ đều cần thiết, cũng giống như những vấn đề trong toán học vậy.” Một lần nữa, ở thời điểm mà quá nhiều kiến thức con người đã bị nghi ngờ, thì ý tưởng về sự chắc chắn của toán học thật quyến rũ. Spinoza khao khát “hiểu được Chúa như chúng ta hiểu hình tam giác,”và ông viết cuốn “Ethics” của mình dưới dạng một danh sách đánh số những nguyên tắc và suy luận – một cách mà ông đã học được từ bản luận văn của Euclid về hình học. Định nghĩa của Spinoza về “sự ban phước” là “tình yêu tri thức của Chúa,” mà trong đó tâm trí thấy được sự cần thiết của tất cả mọi thứ trên thế giới, đơn giản và chắc chắn như nô lệ của Plato nhận thấy sự cần thiết của định lý của Pythagoras.

Dù Spinoza có vẻ đã tước đi sự tự do siêu hình học của loài người, ông đã bù lại bằng một sự tự do chính trị chưa từng có. Trong cuốn “Theological-Political Treatise” (Tạm dịch: Luận thuyết về Thần học-Chính trị học) của mình, ông ca ngợi xã hội đa văn hóa của Amsterdam và coi đó như một mô hình đáng học tập của thế giới. Nhưng ông thậm chí còn muốn đi xa hơn thế. Ông khẳng định rằng, dân chủ, “là thể chế tự nhiên nhất trong tất cả những thể chế chính phủ, và phù hợp nhất với tự do cá nhân.” Ông khăng khăng vào libertas philosophandi, có nghĩa là tự do suy nghĩ, và, trong khi ông cho rằng những hình thức thờ cúng tôn giáo nên được quy định bởi chính phủ, ông cương quyết chống lại bất cứ một sự áp đặt nào về ý thức. Mỗi người có quyền quyết định Chúa là gì và làm cách nào để phục vụ ngài tốt nhất. Nhìn chung, những niềm tin này cho thấy Spinoza có thể được coi là nhà triết học vĩ đại đầu tiên của tự do dân chủ.

Có một thứ gì đó phi thường về tư tưởng của Spinoza; cũng như có một sự thoát tục về người đàn ông này. Gottlieb viết rằng “sự nhân từ và độ lượng của ông đã thành huyền thoại,” và ông trích dẫn mô tả của Bertrand Russell về Spinoza như là “người cao cả và đáng kính nhất trong những nhà triết học vĩ đại.” Nhưng kiểu hoàn hảo này khó có thể hiểu được, cũng như việc đạt được tình yêu tri thức của Chúa có vẻ thật bất khả thi. (Câu chuyện tuyệt vời “The Spinoza of Market Street” (Tạm dịch: Spinoza ở phố Market) của Isaac Bashevis Singer mô tả một nhà tri thức ở Warsaw đã dành cả cuộc đời mình cố gắng đạt được sự thanh tịnh phi phàm, để rồi cuối cùng lại mất mặt mà phải lòng cô y tá của mình.)

Trong “The Dream of Enlightenment” (Tạm dịch: Giấc mơ thời Khai sáng), Gottlieb viết với một sự cảm mến đặc biệt dành cho những người đồng hương Anh Quốc của ông, các nhà triết học Thomas Hobbes, John Locke, và David Hume. Trong khi Descartes và Spinoza hiểu về thực tại thông qua một thứ logic hoàn toàn dựa vào suy luận lý tính, thì Locke và Hume đánh giá cao những bằng chứng có từ trải nghiệm. Chủ nghĩa duy nghiệm của họ thường được coi là một kiểu phẩm chất kỳ quặc của người Anh, vạch ra một sự khác biệt giữa triết học Anh và triết học Âu lục (Continental philosophy) vẫn còn tồn tại đến ngày nay: một bên là sự nghi ngờ thứ kiến thức không có một nền tảng kinh nghiệm hay thí nghiệm nào, và bên còn lại là những học thuyết kỳ quái dựa trên quá trình suy luận lý tính không kiểm soát.

Và trong trường hợp nào thì các học thuyết cũng chối bỏ việc thế giới ta vẫn thấy là hiện thực, và cố gắng tìm ra một thứ gì đó nguyên bản hơn để giải thích.

Gottlieb không viết sách xoay quanh sự đối lập này, nhưng ông cho thấy rằng nó có một số nền tảng thực tế. Trong tất cả những nhà triết học đã bàn tới, người ông yêu thích nhất có lẽ là Hume, người đã đi xa nhất trong việc bác bỏ lý tưởng suy luận, hình học trong triết học. Spinoza muốn một thứ kiến thức về thế giới mà cũng chắc chắn như sự thật trong toán học, nhưng Hume chỉ ra rằng đây là một sai lầm phân loại (category mistake)8. Tất cả kiến thức của chúng ta về thế giới đều dựa trên trải nghiệm, có nghĩa là chúng có tính chất phụ thuộc, chứ không hề tuyệt đối. Tất nhiên, chúng ta có thể tin rằng mặt trời sẽ mọc ở hướng đông vào ngày mai, cũng như nó đã như vậy vào ngày hôm qua và tất cả những ngày trước đó. Nhưng chúng ta không thể chứng minh rằng nó sẽ mọc theo cách chúng ta chứng minh hai cộng hai bằng bốn. “Vì vậy, chỉ dẫn trong cuộc sống không nên dựa vào lý tính, mà là kinh nghiệm rút ra từ những trải nghiệm trong quá khứ,”9 Hume kết luận.

Theo quan điểm của Hume, việc Descartes phá bỏ thế giới bằng sự nghi ngờ và rồi cố xây dựng lại mọi thứ dựa trên logic rất dễ thất bại. Thay vì thế, chúng ta phải chấp nhận rằng kiến thức của chúng ta về thế giới không hề tuyệt đối, như việc chúng ta cứ muốn nó phải như vậy. Không hề có một cách chắc chắn nào để phân ra ranh giới giữa sự chủ quan và khách quan – điều xảy ra trong tâm trí tôi và thứ thực sự xảy ra trong thế giới ngoài kia. Điều này cũng đúng khi nói về thế giới bên kia: Hume ngờ vực một cách thoải mái về lời hứa của tôn giáo về cuộc sống sau cái chết. Gottlieb kể câu chuyện về James Boswell, người viết tiểu sử cho Samuel Johnson, đã thăm Hume khi ông nằm trên giường hấp hối, hi vọng rằng vào phút cuối nhà triết học này sẽ chấp nhận từ bỏ những nghi ngờ của mình và tin vào Thiên Chúa Giáo. Nhưng Boswell đã phải thất vọng khi nghe Hume khẳng định rằng “thật phi lý khi tưởng tượng rằng chúng ta sẽ tồn tại mãi mãi.” Với chúng ta ngày nay, phần lớn triết học đầu thời kỳ hiện đại có lẽ cũng là một thứ tưởng tượng phi lý. Nhưng chúng ta vẫn đang sống cùng những vấn đề mà những nhà tư tưởng đó đã tạo ra và cố gắng giải quyết. Chúng ta chưa bao giờ hiện đại như ta nghĩ cả.


  1. Chủ nghĩa duy lý, rationalism, là quan điểm cho rằng lý tính là “nguồn gốc và cách thức kiểm nghiệm tối ưu của tri thức” (reason as the chief source and test of knowledge). Những người theo chủ nghĩa duy lý đề cao suy luận lý tính và tư duy logic trong việc đánh giá và tìm kiếm sự thật.

  2. Chủ nghĩa duy nghiệm, empiricism, cho rằng kiến thức chỉ có thể được thu nạp thông qua trải nghiệm, và đề cao bằng chứng thực nghiệm trong việc hình thành và đánh giá kiến thức.

  3. Cuộc Cải cách (Reformation), hay tên đầy đủ là Cải cách Kháng Nghị (Protestant Reformation), là một phong trào phản đối và gây ra sự phân tách của Giáo hội Công giáo Roma. Cuộc cải cách diễn ra ở Châu Âu vào thế kỷ 16, được coi là chính thức khởi đầu bởi Martin Luther với tác phẩm “Chín mươi lăm Luận đề” (The Ninety-Five Theses) của ông, và được tiếp nối sau đó bởi John Calvin, Huldrych Zwingli, và các nhà cải cách khác.

  4. Bởi mang những tư tưởng mâu thuẫn với chính trị và xã hội Athens thời đại đó, Socrates bị kết tội làm bại hoại tâm trí của giới thanh niên tại Athens và không tin vào các vị thần, và bị xử tử hình bằng cách uống thuốc độc.

  5. Chủ nghĩa Cơ giới (Mechanism) là một quan điểm triết học cho rằng các thực thể trong tự nhiên được cấu thành từ nhiều bộ phận mà giữa chúng không hề có mối quan hệ nội tại nào.

  6. Tức Georg Wilhelm Friedrich Hegel, nhà triết học người Đức được coi là tượng đài quan trọng trong chủ nghĩa duy tâm của Đức.

  7. Tức Thales of Miletus, một nhà triết học sống trước thời kỳ Socrates và là một trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp. Luận điểm triết học nổi tiếng nhất của ông là giả thuyết về bản chất của mọi vật chất, cho rằng khởi nguồn tự nhiên chỉ bắt đầu từ một chất duy nhất là nước.

  8. Category mistake dùng để chỉ lỗi thuộc về mặt ngữ nghĩa hoặc bản chất, khi một sự vật thuộc một phạm trù này lại được diễn tả như thể thuộc một phạm trù khác, hoặc khi một sự vật được gán cho một đặc tính mà không phải của nó.

  9. Nguyên gốc: “’Tis not, therefore, reason, which is the guide of life, but custom.”

2 thoughts on “Chúng ta có thực sự hiện đại đến vậy?

  1. cái phần “Plato giải thích điều này bằng việc tâm hồn đã có một cuộc đời trước khi mỗi người được sinh ra, mà ở đó nó đã học về những sự thật trong toán học, thế nên học thực sự là một cách thức ghi nhớ. Descartes thì thấy là một câu chuyện như vậy chẳng được tích sự gì, bởi nó còn đặt ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời. Nhưng, ông cũng bị hấp dẫn bởi sự chắc chắn mà toán học mang lại, và trong tác phẩm “Meditations” (Tạm dịch: Suy ngẫm) của mình ông tuyên bố rằng ông đã đạt được sự chắc chắn đó. ” —–
    Mình nghĩ Meditations của Marcus Aurelius viết ra mà? với lại mấy ý trong câu trên hình như không liên quan đến nội dung cuốn đó luôn thì phải ?

    1. Mình nghĩ ở đây tác giả viết tắt và đang nói đến cuốn “Meditations on First Philosophy” của Descartes bạn ạ. Thì đúng là trong cuốn này Descartes bác bỏ những niềm tin về một số thứ được coi là không chắc chắn và khẳng định sự chắc chắn của ông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất