Giả như bạn muốn tạo nên một chú chó từ đầu đến cuối. Thứ gì sẽ là thành phần chính trong công thức chế tạo của bạn? Chắc chắn phải bao gồm sự trung thành và trí thông minh. Và cả sự đáng yêu nữa, có thể là một cặp mắt hiền lành và một cái đuôi xoăn xoăn, xù xù, luôn vung vẫy hân hoan mỗi khi đánh hơi thấy sự xuất hiện của bạn. Và bạn có thể sẽ cho cho thêm một bộ lông lốm đốm giống của chó lai, một bộ lông như muốn nói rằng, “Ừ thì tôi có thể không đẹp đẽ, nhưng bạn biết tôi yêu bạn và cần bạn.”
Bạn không cần phải bận tâm làm điều đó vì Lyudmila Trut và Dmitri Belyaev đã làm việc đó thay bạn. Tạo ra một con chó hoàn hảo. Ngoại trừ việc nó không phải là một con chó mà là một con cáo. Một con cáo đã được thuần hóa. Họ đã tạo ra nó một cách nhanh chóng, nhanh một cách đáng kinh ngạc đối với việc tạo một sinh vật hoàn toàn mới. Họ đã thành công trong vòng chưa đến 60 năm, khoảng thời gian này so với thời gian mà chó sói được thuần thành chó nhà thì chỉ như một cái chớp mắt. Họ đã làm được điều đó dưới cái lạnh tưởng như không thể chịu nổi của Siberia, nơi nhiệt độ thường là âm 40 độ C. Tại đây, Lyudmila, và trước đó là Dmintri, đã thực hiện một trong những thí nghiệm lâu nhất và đáng ngạc nhiên nhất từng có về hành vi và sự tiến hóa.
Bây giờ hãy cùng trở về năm 1974. Trong một buổi sáng mùa xuân tinh khôi, khô thoáng và lành lạnh, với mặt trời tỏa nắng trong nền tuyết, Lyudmila cùng một con cáo con đặc biệt có tên Pushinka chuyển đến một ngôi nhà nằm bên rìa của một trang trại cáo thí nghiệm tại Novosibirsk, Siberia. Pushinka là một cô cáo cái xinh đẹp với đôi mắt đen sắc sảo, bộ lông đen ánh bạc với một mảng lông trắng chạy dọc bên má trái. Nó chỉ vừa mới qua sinh nhật đầu tiên, và hành động rất thuần cùng với cách thể hiện tình cảm như một chú chó của nó khiến ai trong trang trại cáo cũng đều yêu quý. Lyudmila và Dmitri Belyaev, một nhà khoa học đồng nghiệp và cũng là một người thầy, quyết định rằng đã đến lúc kiểm tra xem liệu rằng Pushinka có thuần tính tới mức hoàn toàn có thể làm một bước tiến nhảy vọt để trở thành một con vật nuôi thật sự không. Liệu con cáo nhỏ này có thể thực sự sống chung một nhà với con người?
Dmitri Belyaev là một nhà khoa học có tầm nhìn rộng, một nhà di truyền học làm việc trong nền công nghiệp lông thú thương mại vô cùng quan trọng đối với nước Nga. Những nghiên cứu về di truyền học bị cấm cản rất nghiêm ngặt vào thời điểm khi Belyaev bắt đầu sự nghiệp của mình, và ông ấy chấp nhận làm việc trong nền công nghiệp sản xuất lông thú vì ông ấy có thể tiếp tục tiến hành những nghiên cứu của mình dưới lớp vỏ của công việc đó. Hai mươi hai năm trước ngày Pushinka được sinh ra, ông đã tiến hành một cuộc thí nghiệm chưa từng có tiền lệ trong ngành nghiên cứu hành vi của động vật. Ông ấy bắt đầu tạo giống cáo thuần. Ông muốn mô phỏng lại quá trình thuần hóa chó sói thành chó nuôi đối với loài cáo lông xám, một loài anh em họ hàng gần với chó sói. Nếu ông có thể biến một con cáo thành một con vật như chó nhà, ông có thể hóa giải được câu đố hóc búa từ lâu: sự thuần hóa đã diễn ra như thế nào. Thậm chí ông còn có thể gặt hái những hiểu biết sâu sắc về quá trình tiến hóa của loài người; vì sau tất cả, chúng ta về cơ bản là một loài linh trưởng đã được thuần hóa.
Những hóa thạch có thể mang lại những manh mối về thời điểm và nơi sự thuần hóa diễn ra, và một cái nhìn sơ qua về các giai đoạn trong quá trình biến đổi của những loài vật. Tuy nhiên, chúng không thể giải thích bằng cách nào sự thuần hóa lại diễn ra. Sao những con thú hoang dại, cực kì không ưa việc tiếp xúc với loài người lại trở nên ngoan ngoãn đến mức con người có thể bắt đầu nuôi chúng? Bằng cách nào mà tổ tiên hoang dã của chúng ta bắt đầu thay đổi để thành con người? Thuần hóa một loài vật hoang dã bằng cách bắt cặp nhưng con thuần tính nhất trong số chúng với nhau là một thí nghiệm thực tế có thể đem đến câu trả lời.
Kế hoạch của Belyaev cho thí nghiệm này rất táo bạo. Sự thuần hóa một loài vật được cho là sẽ diễn ra một cách từ từ, trong nhiều nghìn năm. Làm sao ông có thể kì vọng kết quả đáng kể ngay cả khi thí nghiệm diễn ra trong nhiều thập kỉ? Dù thế nhưng giờ chúng ta có một con cáo như Pushinka, nó gần giống chó đến mức nó biết chạy đến khi nghe thấy người gọi tên mình và có thể thả trong trang trại mà không cần đến dây xích. Nó theo đuôi những người làm việc ở trại cáo trong lúc họ đang làm việc, và nó cũng thích đi dạo cùng Lyudmila trên con đường quê yên tĩnh chạy ngang qua nông trại ở ngoài ngoại ô Novosibirsk. Và Pushinka chỉ là một trong số hàng trăm con cáo đầy tình cảm mà họ đã gây giống bằng cách chọn lọc đặc tính hiền lành.
Bằng việc chuyển vào ngôi nhà bên rìa nông trại cùng với Pushinka, Lyudmila đã mang thí nghiệm với loài cáo sang một lãnh địa chưa từng có. Sự chọn lọc gen trong 15 năm của họ cuối cùng cũng đã mang lại kết quả. Bây giờ, Lyudmila và Belyaev muốn tìm hiểu xem khi sống cùng với Lyudmila, Pushinka liệu có phát triển mối liên kết đặc biệt nào với cô giống như mối liên kết giữa những chú chó với chủ của chúng. Loại trừ những loài thú cưng ra, phần lớn những con vật được thuần hóa đều không có mối quan hệ gần gũi đối với loài người, và đến giờ tình cảm mạnh mẽ và trung thành nhất vẫn là giữa chủ và chó. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt? Có phải mối liên hệ mật thiết giữa người và vật đã phát triển trong thời gian dài? Hay là tình cảm dành cho người là một sự thay đổi xảy ra nhanh chóng, giống như những thay đổi khác mà họ đã quan sát được ở những chú cáo? Việc sống chung với loài người liệu có diễn ra dễ dàng đối với một con cáo được nuôi giống để trở nên thuần tính?
Rất nhiều trong số những con vật đã được thuần hóa đều giữ được những nét ngoại hình như lúc còn nhỏ cho tới tận sau khi chúng đã trưởng thành, ví như những đôi tai cụp, đuôi xoăn tít và khuôn mặt trẻ con.
Khi Belyaev bắt đầu cuộc thí nghiệm ở cáo, những hiểu biết về quá trình thuần hóa gần như bằng không. Tại sao có rất ít loài vật – tổng cộng chỉ khoảng vài chục trong số hàng triệu loài – được thuần hóa? Phần lớn các loài được thuần hóa là động vật có vú, tuy nhiên cũng có vài loài là chim hay cá, và một vài loài côn trùng, bao gồm tằm và ong. Rồi còn câu hỏi tại sao nhiều sự thay đổi ở các loài động vật có vú được thuần hóa lại giống nhau đến thế. Như Darwin chỉ ra, phần lớn chúng có những đốm màu khác nhau ở lông và các phần da khác. Rất nhiều trong số những con vật đã được thuần hóa đều giữ được những nét ngoại hình như lúc còn nhỏ cho tới tận sau khi chúng đã trưởng thành, ví như những đôi tai cụp, đuôi xoăn tít và khuôn mặt trẻ con – được gọi là các đặc tính ấu nhi – những đặc điểm này ở những con non của nhiều loài khiến chúng trông thật đáng yêu, trong khi cùng một độ tuổi, những người anh em hoang dã của nó đã lớn và già dặn hơn rất nhiều. Tại sao những đặc trưng này lại được chọn lựa bởi những người nuôi giống? Những người nông dân nuôi bò, rốt cuộc, chả có lợi lộc gì từ việc con bò của họ có đốm đen trắng trên bộ da. Tại sao những người nuôi lợn lại phải quan tâm đến việc lợn nhà họ có đuôi xoắn hay không chứ?
Một nét tương đồng khác giữa các loài vật nuôi liên quan đến khả năng sinh sản của chúng. Tất cả những động vật có vú hoang dã sinh sản trong một thời điểm thuận lợi nhất định trong năm, và mỗi năm chỉ có một lần như thế. Đối với một số loài, thời điểm đó chỉ giới hạn trong vỏn vẹn có vài ngày, trong khi đối với một số loài khác, nó có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng trời. Ví dụ, chó sói sinh sản vào giữa tháng Giêng đến tháng Ba. Mùa sinh sản đối với cáo là từ tháng Giêng đến cuối tháng Hai. Khoảng thời gian này trùng với thời điểm thuận lợi nhất trong năm để sinh tồn; những con non được sinh ra khi nhiệt độ, lượng ánh sáng và sự dồi dào của thức ăn mang lại cơ hội tốt nhất để có một khởi đầu thuận lợi trong thế giới này. Ngược lại đối với một số loài vật nuôi khác, việc tìm kiếm bạn tình có thể diễn ra vào bất kì thời điểm nào trong năm, và với nhiều loài, có thể có nhiều hơn một mùa giao phối một năm. Tại sao sự thuần hóa có thể dẫn đến sự thay đổi lớn như thế trong cơ chế sinh sản của động vật?
Một ý tưởng tồn tại từ lâu về việc thuần hóa chó sói cho rằng con người đã nuôi những con chó sói con, có thể họ đã chọn những con trông đặc biệt đáng yêu, với vẻ mặt và đặc điểm cơ thể trẻ con nhất. Nhưng nếu như chính là những con sói, chứ không phải con người đã bắt đầu mối liên hệ này thì sao? Những con sói có bản tính dạn người hơn đồng loại có thể đã bắt đầu dấn thân vào những nơi trú ẩn của con người để kiếm thức ăn trước tiên. Cũng có thể, do chúng là những động vật sống về đêm, chúng sẽ lẻn vào khu lều trại vào ban đêm khi tổ tiên chúng ta đang ngủ. Hoặc có thể chúng đã học được cách kiếm ăn bằng việc theo sát những đoàn người đi săn. Rất dễ để giải thích lý do tại sao những con chó sói tương đối thoải mái với sự hiện diện của con người – những cá thể bán thuần một cách tự nhiên – lại làm như thế: con người đem lại nguồn thức ăn đáng tin cậy hơn là thiên nhiên hoang dã. Nhưng tại sao những nhóm người tiền sử lại chấp nhận để cho những con sói lọt bên trong nơi bất khả xâm phạm của mình? Chó sói trong hành trình trở thành chó nuôi hẳn đã giúp con người trong việc săn bắn và đóng vai trò như những người lính gác, cảnh báo trước những mối nguy hiểm sắp đến. Nhưng chắc hẳn phải có một giai đoạn trước đó nữa trong qua trình biến đổi, khi chúng chưa thể thực hiện những chức năng đó một cách đặc biệt xuất sắc. Nếu việc thuần hóa cáo lông bạc thực sự mô phỏng lại quá trình thuần hóa chó sói, thì có thể những hành động quan tâm đáng yêu như những con cáo thuần trước đây cũng đã diễn ra ở chó sói. Và có thể, chính vì lí do đó mà chúng trở nên thu hút hơn trong mắt của tổ tiên chúng ta.
Nhưng điều gì đã thúc đẩy sự hình thành những thay đổi trong hành vi của chó sói? Lyudmila rất tích cực trong việc chọn lựa những con cáo thuần nhất để nhân giống. Liệu có thể tin tưởng rằng loài người trước đây cũng chủ động phối cặp những con sói giống như thế không? Có thể là họ không cần phải làm điều đó. Chọn lọc tự nhiên có thể đã ưu ái những con sói có thể tiến vào được nguồn thức ăn đáng tin của con người. Những con sói thân thiện hơn với con người cũng có thể đã lại gần hơn với những con sói khác cũng kiếm ăn loanh quanh nơi ở của người, từ đó chọn bạn tình là những con sói khác cũng bán thuần giống mình. Điều này hẳn tạo nên động lực chọn lọc hoàn toàn mới: thuần tính – tiêu chuẩn đã được áp dụng trong thí nghiệm với loài cáo. Trong khi Lyudmila và Belyaev đang thử nghiệm với loài cáo, áp lực chọn lọc thiên về tính thuần này hẳn đã đủ tạo nên những thay đổi mà họ nhìn thấy được ở những con cáo thuần tính nhất của mình. Quá trình này ở chó sói được cho là diễn ra lâu hơn so với trong thí nghiệm chọn lọc nhân tạo của Lyudmila, tuy nhiên những động lực cơ bản rong hai quá trình là giống nhau.
Một ngày tháng Năm năm 1967, sau khi Dmitri đã xem hết những dữ liệu của Lyudmila về những con cáo thế hệ thứ bảy, ông ấy hào hứng gọi cô đến văn phòng. Ông ấy kể với Lyudmila rằng ông đã không ngủ suốt đêm vì mải suy nghĩ. Ông đã nảy ra ý tưởng cho câu hỏi điều gì đã dẫn đến sự thay đổi ở loài cáo và yêu cầu cô tập hợp một số đồng nghiệp tại văn phòng của ông. Khi họ đã đến ổn định, ông nói, “Mọi người, tôi nghĩ tôi đã bắt đầu hiểu được những gì chúng ta đã quan sát được qua thí nghiệm thuần hóa này.”
Belyaev nhận ra phần lớn thay đổi họ đã thấy ở cáo bao gồm thay đổi về thời điểm mà các đặc tính sẽ xuất hiện hoặc biến mất. Nhiều trong số các thay đổi mà họ thấy được ở những con cáo thuần hơn bao gồm việc giữ được những đặc trưng của con non lâu hơn bình thường. Những tiếng rên ư ử là một hành động rất trẻ con mà bình thường sẽ biến mất khi con cáo đã trưởng thành. Tính dịu dàng cũng thế; những con cáo con khi mới sinh ra thường rất điềm tĩnh, nhưng khi chúng lớn lên, chúng thường trở nên dễ kích động.Sự thay đổi về thời gian cũng xảy ra với cơ quan sinh sản của con cái. Chúng sẵn sàng cho việc bắt cặp từ sớm hơn và giai đoạn này cũng kéo dài lâu hơn.
Hormone được biết đến là có liên quan đến điều chỉnh thời điểm phát triển và cơ quan sinh sản. Chúng cũng chi phối mức độ căng thẳng, hay điềm tĩnh. Dmitri chắc chắn rằng những thay đổi trong việc sản sinh hormone đang dần diễn ra ở những con cáo thuần, và ông cũng chắc chắn rằng hormone có vai trò trung tâm trong quá trình thuần hóa. Nếu điều này là đúng, nó có thể giải thích được tại sao vật nuôi trông non hơn những người họ hàng hoang dã của mình, cũng như tại sao chúng có thể sinh sản ngoài mùa giao phối, và tại sao chúng lại rất hiền lành khi ở cạnh chúng ta.
Sự khám phá ra hormone từ thời điểm bắt đầu thế kỉ 20 đã làm chấn động nền tảng của ngành sinh học động vật. Vào thời điểm đó, sự vận hành cơ bản của hệ thần kinh chỉ mới bắt đầu được hệ thống lại với nhau, não bộ và hệ thần kinh được cho là một hệ thống liên lạc điều khiển hành vi của động vật. Nhưng với khám phá về hormone thì hóa ra cơ thể của chúng ta được điều khiển bởi một hệ thống truyền tin hóa học vận hành trong mạch máu, chứ không phải ở các dây thần kinh. Hormone được phát hiện đầu tiên chính là secretin, hormone tham gia và sự tiêu hóa. Không lâu sau đó, adrenaline (hay còn được gọi là epinephrine) được phát hiện và được đặt cho cái tên adrenaline là vì nó được tạo ra bởi một trong số tuyến thượng thận (adrenal glands.) Ngày càng nhiều loại hormone được phát hiện liên tục. Vào Giáng Sinh năm 1914, thyoxin – một hormone được sản sinh bởi tuyến giáp trạng – được phát hiện. Vào những năm 20 và 30 thế kỉ 20, testosterone, estrogen, và progesterone cùng với chức năng của chúng trong việc điều chỉnh hoạt động sinh sản được tìm thấy. Dần dần những nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thay đổi trong số lượng hormone có thể làm gián đoạn đáng kể chu kì sinh sản bình thường, và cuối cùng dẫn đến sự ra đời của thuốc tránh thai, thứ đã được bán ra thị trường vào năm 1957.
Hai loại hormone tuyến tượng thận khác là cortisone và cortisol, được phát hiện vào giữa những năm 40 thế kỉ 20, và cùng với adrenaline, chúng được gắn cho cái tên hormone căng thẳng (stress hormone) vì chúng điều khiển mức độ căng thẳng. Người ta đã phát hiện rằng lượng adrenaline và cortisol sẽ tăng vọt khi phát hiện mối nguy hiểm, yếu tố quyết định đến phản ứng “fight or flight1” (Tạm dịch: “chiến hay chạy”.) Vào năm 1958, việc phân tách ra một loại hormone khác có tên melatonin được công bố. Loại hormone này được sản sinh bởi tuyến tùng, ngoài việc tác động đến sắc tố da, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh thói quen đi ngủ và cả thời gian của chu kì sinh sản.
Những nghiên cứu cũng cho thấy rằng rất hiếm, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, có loại hormone nào có ảnh hưởng đơn lẻ lên cơ thể. Phần lớn các hormone ảnh hưởng đến một loạt các đặc tính về hành vi và hình thái khác nhau. Ví dụ, testosterone không chỉ tham gia vào sự phát triển của tinh hoàn mà còn liên quan đến những hành vi kích động và cả sự phát triển của cơ bắp, khối lượng xương, lông cơ thể và nhiều đặc điểm khác.
Dmitri đã nghiên cứu các tài liệu về hormone và ông biết rằng nghiên cứu đã cho thấy rằng việc sản xuất hormone được quy định bởi gen, dù chưa rõ là bằng cách nào. Ông cho rằng những gen hay sự tổ hợp gen quy định việc sản sinh hormone có thể là nguyên nhân của nhiều – có thể là tất cả – những thay đổi mà họ quan sát được ở những con cáo thuần tính. Sự chọn lọc nhắm đến sự thuần tính đã khơi mào cho những thay đổi trong cách hoạt động của gen. Chọn lọc tự nhiên đã cố định những thành tố hormone tạo nên một con cáo và hành vi của nó trong tự nhiên. Và giờ đây sự chọn lọc tính thuần mà ông và Lyudmila áp dụng đang thay đổi công thức đó.
Dmitri tự hỏi tại sao điều đó lại xảy ra? Việc cố định hóa hành vi và sinh lý của một con vật là để phù hợp với riêng môi trường sống của nó. Thời điểm tìm bạn tình của động vật đã được chọn lọc để trùng với thời điểm trong năm khi mà thức ăn và ánh sáng thuận lợi nhất cho sự sống sót của con non. Màu da, lông của chúng được tối ưu hết mức để ngụy trang trong môi trường tự nhiên. Sự sản sinh ra các hormone căng thẳng cũng được tối ưu hóa để giúp chúng chiến đấu hoặc chạy trốn khỏi những nguy hiểm ngoài môi trường. Nhưng, nếu chúng đột nhiên được chuyển đến một môi trường hoàn toàn khác, với những điều kiện để tồn tại khác biệt thì sao? Đấy là điều đã xảy ra trong trường hợp của những con cáo; bây giờ trong môi trường sống gần với con người, tốt hơn hết là trở nên hiền lành. Thế nên những đặc tính đã cố định trong hành vi và tâm lý có được nhờ chọn lọc tự nhiên trong thế giới hoang dã giờ đã không còn là phương án tốt nhất, sự thay đổi để thích ứng là cần thiết. Dmitri cho rằng dưới một áp lực phải thay đổi như thế, những mô thức hoạt động của gen – cách mà chúng điều khiển sự vận hành của cơ thể – sẽ phải biến đổi hoàn toàn. Một chuỗi những thay đổi sẽ được tạo ra. Tất yếu, những thay đổi then chốt giúp động vật tối ưu trong môi trường của chúng là về chức năng, thời gian và sự sản sinh hormone. Sau này ông cũng thêm vào công thức của mình những thay đổi trong hệ thần kinh.Ông gọi quá trình mình đang diễn tả là chọn lọc phá vỡ.
Trong những nghiên cứu về động vật vào thời điểm đó, cuộc tranh cãi giữa tầm quan trọng của hành vi bẩm sinh và học được là một trong số những cuộc tranh luận sôi nổi nhất. Cuộc tranh luận cực kì nảy lửa đã nổ ra trước công trình của nhà nghiên cứu động vật linh trưởng Jane Goodall, người đã có những quan sát gây chấn động về loài tinh tinh tại Khu bảo tồn Gombe, Tanzania, một đất nước bờ biển phía đông Châu Phi. Những báo cáo của Goodall về tính chất của xã hội loài tinh tinh và về sự tương đồng giữa hành động của tinh tinh với hành động của con người đã thu hút dư luận ngay từ khi bắt đầu. Trong cuốn In the Shadow of Man (Tạm dịch: Dưới Bóng Của Loài Người) của mình, bà đã viết những dòng miêu tả hấp dẫn về sự khăng khít của cộng đồng những con tinh tinh như sau: “Tôi đã chứng kiến một con cái vừa mới chuyển vào nhóm, chạy nhanh đến chỗ một con đực lớn và đưa tay về phía con đực. Với một tác phong gần như quý tộc, con đực cũng vươn tay ra, nắm tấy tay con cái kéo về phía mình và hôn nó bằng đôi môi của mình. Tôi còn chứng kiến hai con đực chào hỏi bằng việc ôm lấy nhau.” Những con tinh tinh còn nhỏ dường như vô cùng tận hưởng tình bạn thường ngày với những trò chơi hoang dã trên tán cây, rượt đuổi nhau hay con này nối con khác nhảy từ những tán cây cao xuống những cành cây thấp.”
Goodall cho rằng các cá nhân trong nhóm thể hiện những tính cách đặc trưng, và rằng dù quan hệ mẹ con là sâu sắc nhất, những mối ràng buộc xã hội không chỉ kéo những thành viên ngay trong gia đình lại với nhau mà còn gắn kết thành viên trong nhóm lớn hơn. Tinh tinh có vẻ thật sự quan tâm đến những thành viên khác trong nhóm của chúng. Chúng chia sẻ đồ ăn, và giúp đỡ nhau những lúc cần thiết. Song, trong khi tiếp tục theo dõi những con tinh tinh vào giữa những năm 1970, bà đã khiếp đảm khi quan sát thấy những hành động cực kì bạo lực như việc những con cái có quyền lực hơn giết chết con của những con cái khác trong nhóm và cả việc giết tập thể được thực hiện bởi những con đực, những sự việc kiểu này thậm chí có thể kết thúc bằng việc ăn thịt những đồng loại mà chúng đã giết. Người ta đã từng nghĩ chỉ có con người mới có thể giết đồng loại một cách có chiến lược như thế. Hóa ra động vật cũng có đặc điểm này, và Goodall đã rất thất vọng. Sau này bà có viết: “Khi tôi vừa mới bắt đầu ở Gombe, tôi nghĩ loài tinh tinh tốt bụng hơn chúng ta. Nhưng thời gian đã cho thấy chúng không phải như vậy. Chúng cũng có thể xấu xa như loài người.”
Những hành động trông có vẻ giống con người của loài tinh tinh đã khiến Goodall và nhiều người khác nghĩ rằng chúng có khả năng suy nghĩ ở bậc cao hơn và nhiều cảm xúc nhân bản hơn so với những gì những nhà linh trưởng học đã từng nghĩ. Điều này đã nhen nhóm những suy đoán mới về bản chất suy nghĩ của động vật và mức độ tinh tế của suy nghĩ và khả năng học hỏi của chúng. Công trình này cũng dấy lên những ý tưởng mới về việc loài người chúng ta vẫn còn giống những tổ tiên xa xưa của mình như thế nào. Nhưng một số nhà đạo đức học nghĩ rằng những phỏng đoán của Goodall về suy nghĩ của tinh tinh đã đi quá xa. Họ cho rằng bà đã nhân tính hóa, gán cho tinh tinh những khả năng mà chúng không hề có.
Ở trang trại cáo, Lydumila và Dmitri được trang bị để tìm hiểu những đặc điểm bẩm sinh và tiếp thu từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến những con cáo thuần tính của họ như thế nào. Họ liên tục tận dụng những kĩ thuật mới nhất cho nghiên cứu, và trong thời gian Lyudmila sống ở cùng nhà với con cáo Pushinka, cô và Dmitri quyết định thử xem liệu họ có thể đào sâu hơn nữa để tìm hiểu những hành vi mà họ quan sát được ở những con cáo nổi trội nhất phụ thuộc bao nhiêu vào di truyền.
Mặc dù họ cố gắng giữ những con cáo trong điều kiện cố định, tuy nhiên vẫn luôn có những điều kiện khác biệt rất mơ hồ gần như không thể nhận thấy được len lỏi vào trong một thí nghiệm. Ví dụ như, nếu như cách đối xử với cáo con của những con mẹ hiền lành nhất khác với những con mẹ hung hăng thì sao? Có thể những con con học được cách đối xử hòa nhã hay hung hăng với con người từ cách mà người mẹ đã đối xử với chúng.
Chỉ có một cách để chứng minh những điểm khác biệt trong hành động mà họ quan sát thấy giữa những con cáo thuần tính hơn và những con hung hăng là do sự khác biệt trong di truyền. Dmitri và Lyudmila phải thử tới một biện pháp gọi là “nuôi chéo.” Họ phải đưa những phôi thai của con mẹ thuần tính và đem cấy vào cơ thể của con mẹ hung hăng. Sau đó họ để cho những con mẹ hung hăng đẻ và nuôi những con non này. Nếu những con cáo non vẫn lớn lên hiền lành, dù được nuôi bởi những con mẹ hung hăng, thì Lyudmila và Dmitri có thể hiểu rằng sự thuần tính về cơ bản là do di truyền chứ không phải học được. Và, để hoàn thiện, họ cũng làm thí nghiệm tương tự đối với những con non của những con mẹ hung hăng, cấy bào thai của chúng vào người những con mẹ thuần tính để xem liệu họ có được những kết quả tương đương không.
Lý thuyết của phương pháp nuôi chéo rất rõ ràng; các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp này để xem xét vai trò của bản tính và sự nuôi dưỡng trong nhiều năm. Nhưng trên thực tế, nói dễ hơn làm, về mặt kĩ thuật thì rất khó để thành công và phương pháp có hiệu quả khác nhau giữa các loài. Chưa ai từng thử cấy phôi thai cho cáo bao giờ.Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu này đã thực hiện rất nhiều điều chưa có ai làm trước đây, vì thế nên Lyudmila quyết định cô sẽ phải tự học quá trình tinh vi này.
Cô sẽ cấy những phôi thai nhỏ xíu, mỏng manh khoảng tám ngày tuổi từ trong tử cung của một con cái sang tử cung của con cái đang mang thai khác. Phôi thai từ những con mẹ thuần tính sẽ được cấy vào trong tử cung của con cáo mẹ hung hăng và ngược lại. Bảy tuần sau đó, khi những con non được sinh ra, Lyudmila sẽ quan sát chúng kĩ càng những hành vi của chúng để xem liệu những đứa con của con mẹ thuần tính có trở nên hung hăng và những đứa con của con mẹ hung hăng có trở nên thuần tính không. Nhưng làm thế nào mà cô có thể biết được đâu là những đứa con di truyền đâu là đứa con từ phôi thai được cấy vào trong một lứa sinh? Nếu không biết được thông tin đó, thí nghiệm này sẽ chẳng còn ý nghĩa ý nữa. Cô nhận ra ở loài cáo có một quy luật màu lông của riêng chúng. Màu lông là một đặc trưng di truyền, vì thế nếu cô chọn lọc những con đực và cái cẩn thận, cô hoàn toàn có thể đoán trước được màu lông của thế hệ tiếp theo, và những đứa con của con mẹ hung hăng sẽ có màu lông khác với con mẹ thuần tính, và cô có thể phân biệt được đâu là con “ruột,” đâu là con được cấy vào.
Vì người và chó đã sống chung với nhau đời đời kiếp kiếp, trải qua nhiều những biến đổi trong môi trường cũng như trong cách sống, với người phát triển từ những kẻ đi săn bắn hái lượm thành những người nông dân, rồi thành những cư dân thành thị, chó vẫn luôn cùng chúng ta trong suốt cuộc hành trình, bộ gen của người và chó thích ứng với nhau và với cả môi trường một cách phức tạp và tương tự nhau.
Mỗi ca phẫu thuật bao gồm hai con cái, một con thuần tính và một con hung hăng, cả hai đều ở khoảng tuần thai đầu tiên. Sau khi gây mê nhẹ cho chúng, Lyudmila sẽ rạch một đường phẫu nhỏ trên bụng của mỗi con và xác định vị trí của tử cung cùng với “sừng” trái và phải, những nơi có chứa những phôi thai. Và sao đó cô chuyển phôi thai từ một một bên sừng của tử cung sang và đưa phôi thai này vào con còn lại. Rồi cô lặp lại quá trình này đối với con kia. Cô cấy phôi thai đã được chuyển từ con mẹ này sang con mẹ khác trong một giọt chất lỏng dinh dưỡng được đặt vào đầu của một ông hút. Lyudmila nhớ lại, “Các phôi thái được đưa ra ngoài tử cung (trong phòng có nhiệt độ từ 18 đến 20 độ C) không quá 5 đến 6 phút.” Những con mẹ sau đó được chuyển đến phòng hậu phẫu để hồi phục.
Mọi người trong viện đều lo lắng chờ đợi kết quả. Dù cuộc phẫu thuật đã diễn ra tốt đẹp, những phôi được cấy vẫn có thể không sống sót được. Sự chờ đợi cuối cùng cũng được đáp trả. Người đầu tiên phát hiện sự ra đời của lứa đầu tiên chính là những người chăm sóc, điều này thường xảy ra đối với những bước tiến mới của những con cáo. Họ đã báo cáo ngay tới viện. Lyudmila đã viết: “Đó như một phép màu. Tất cả mọi người quây quanh cái chuồng cáo và ăn mừng với rượu.”
Lyudmila và Tamara bắt đầu ghi chép lại hành vi của những con cáo con ngay từ lúc chúng rời khỏi tổ của mình và bắt đầu tương tác với con người. Một ngày, Lyudmila theo dõi con mẹ hung hăng đang lướt qua cùng đám con ruột và con nuôi. “Đó là một khung cảnh đặc sắc. Những đứa con nuôi dù còn đi chưa vững nhưng chúng đã biết ùa về phía cửa chuồng và vẫy đuôi mỗi khi có người đứng gần đấy.” Không chỉ Lyudmila mới ngạc nhiên. Con cáo mẹ cũng thế. “Con cáo mẹ hung hăng đã trừng phạt những con non thuần tính vì hành vi sai trái của chúng,” Lyudmila nhớ lại. “Chúng gầm gừ và túm lấy cổ của những con non hiền lành và vứt chúng trở vào trong tổ.” Những đứa con ruột của con mẹ hung hăng không tỏ ra chút hiếu kì đối với con người. Chúng, cũng giống như mẹ ruột của mình, ghét con người. “Những con cáo con hung hăng thì ngược lại, chúng vẫn giữ lòng tự tôn của mình,” Lyudmila nhớ lại. “Chúng gầm gừ và chạy về phía tổ. Hành vi như thế này cứ lặp đi lặp lại. Những con cáo con hành xử giống với người mẹ huyết thống của mình chứ không phải con mẹ đã nuôi nó. Thế là không con nghi ngờ gì nữa – thái độ hiền lành và hung hăng trước con người một phần là thuộc về những đặc trưng di truyền.
Những thí nghiệm nuôi chéo cộng với sự gắn kết nhanh chóng giữa Lyudmila và Pushinka cũng giống với quá trình hình thành mối liên kết giữa người và chó nhưng là với một tốc độ tên lửa. Thật đáng kinh ngạc khi sự chọn lọc nhân tạo ưu tiên sự hiền lành có thể gây xúc tác cho những biến đổi sâu sắc trong hành vi của động vật, từ loài có xu hướng tự nhiên sống một mình khi trưởng thành, những con cáo phát triển mối gắn kết mạnh mẽ, mà còn là với một loài hoàn toàn khác. Chúng ta không biết được quá trình tương tự ở sói diễn ra trong bao lâu, nhưng những bằng chứng trong gen và khảo cổ cho thấy rằng chúng ta phát triển sự gắn kết với loài sói, hay tổ tiên của chó gần giống với chó sói, mạnh mẽ hơn bất cứ loài nào khác từ cách đây ít nhất nghìn năm, có thể là hàng chục nghìn năm. Chúng ta đã có mối quan hệ gần gũi với loài chó từ rất lâu, đến mức nhiều chuyên gia còn cho rằng chúng ta và loài sói đã cùng tiến hóa, có nghĩa rằng con người cũng có những thay đổi trong gen để thích hợp với việc sống chung cùng chó. Dường như (những đặc tính để) sống cùng với chó đã được chọn lọc trong DNA của chúng ta, và những đặc tính sống chung với người cũng được chọn lọc trong gen của loài chó.
Một bằng chứng vững chắc cho thấy mối gắn kết giữa người và chó đã được hình thành từ lâu như thế nào và sớm trở nên mạnh mẽ ra sao chính là số lượng lớn những ngôi mộ cổ dành cho chó đã được tìm thấy trên toàn thế giới. Nhiều tổ tiên tiền sử của chúng ta đã chôn cất chó của họ trong những ngôi mộ giống như mộ của những người mà họ yêu quý, và đôi khi, họ chó còn được chôn cùng với mộ của chủ nhân. Trên thực tế, họ đã bắt đầu làm như thế ngay từ những ngày đầu tiên chó được xem là đã hoàn toàn bị thuần hóa, lúc đó là vào khoảng 14.000 đến 15.000 năm trước.
Một số phát hiện khảo cổ gần đây cho thấy rằng chó và người đã sống cùng nhau trừ nhiều nghìn năm trước đó nữa, một số phát hiện mới gây tò mò về di truyền còn cho thấy trong khoảng thời gian sống cạnh nhau, cả hai trở nên cực kì hữu ích cho cuộc sống của. Có thể phát hiện khảo cổ gợi mở nhất chính là bộ dấu chân hóa thạch trên nền hang động Chauvet tại Pháp, nơi nổi tiếng với những bức bích họa tinh xảo về những con thú săn mồi hung dữ như sư tử, báo, gấu với niên đại xấp xỉ 26.000 năm. Bên cạnh loạt vết tích còn lại của một cậu bé khoảng tầm mười tuổi là một bộ những dấu chân của những con vật họ chó lớn, những dấu vết này cho thấy chúng là loài vật gần giống chó hơn là sói. Thời điểm xuất hiện của chó, hay tổ tiên loài chó thậm chí còn có thể sớm hơn, dựa trên đầu lâu của một loài gần giống với chó tìm thấy tại Bỉ với niên đại xấp xỉ 32.000 năm.
Vì người và chó đã sống chung với nhau đời đời kiếp kiếp, trải qua nhiều những biến đổi trong môi trường cũng như trong cách sống, với người phát triển từ những kẻ đi săn bắn hái lượm thành những người nông dân, rồi thành những cư dân thành thị, chó vẫn luôn cùng chúng ta trong suốt cuộc hành trình, bộ gen của người và chó thích ứng với nhau và với cả môi trường một cách phức tạp và tương tự nhau. Ví dụ, tổ tiên chúng ta có những biến đổi trong gen cho phép ăn đồ tinh bột như lúa mì, lúa mạch, gạo đã được thuần hóa, biến đổi tương tự cũng xảy ra trong bộ gen của chó cho phép chúng cũng có thể ăn những thứ tương tự, có thể ban đầu là do chúng tha được từ cách đồng hay kho lương thực của tổ tiên chúng ta, rồi sau đó được cho ăn. Chó sói vốn là một loài ăn thịt, chúng không có bộ máy di truyền phức tạp để tiêu hóa ngũ cốc.
Những tác động tích cực qua lại giữa người và chó đã chứng minh cả hai đã thích nghi với việc sống chung với nhau. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sống chung với chó đem lại nhiều tác động có ích về mặt thể chất cũng như tinh thần cho chúng ta, ví dụ như giảm huyết áp và tỉ lệ mắc bệnh tim mạch, cũng như giảm đi tần suất phải đến thăm bác sĩ, nó cũng làm tăng khả năng hòa đồng của chúng ta nói chung, đồng thời giúp chúng ta chống lại bệnh trầm cảm. Những nghiên cứu gần đây về chất dẫn truyền thần kinh oxytoxin đã xác thực điều mà tất cả những người nuôi chó đều đã biết, đó là người và chó thực sự thích ở cùng nhau. Cả hai bên đều hưởng lợi từ việc đồng hành cùng nhau trong vòng lặp tích cực, một hiệu ứng cầu tuyết của niềm vui song phương.
Các nhà nghiên cứu trong hơn bốn thập kỉ đã biết rằng rằng oxytocin là nền tảng của sự gắn kết giữa người mẹ và con cái (cũng như con mẹ của những loài khác và con cái của chúng). Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng khi người mẹ và đứa con sơ sinh cùng nhìn nhau, lượng oxytocin ở người mẹ sẽ tăng, và ở đứa con oxytocin cũng tăng lên đáng kể, nó dẫn đến việc trẻ sẽ nhìn chăm chăm vào mẹ hơn, và điều này lại quay trở lại khiến cho lương oxycotin ở người mẹ lại tiếp tục tăng thêm. Khi công trình này được xuất bản vào năm 2014, chúng ta đều đã biết rằng oxycotin có một vai trò gì đó trong tương tác giữa người và chó: Khi chúng ta vỗ về chó của chúng ta, lượng oxytocin của chúng ta lẫn của chó cũng sẽ tăng. Nhưng bây giờ chúng ta đã biết nhiều hơn thế: Một nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra rằng khi chó và chủ chỉ đơn giản nhìn nhau thôi, lượng oxytocin đều tăng lên ở cả hai, dẫn đến việc chúng ta lại càng vỗ về nhiều hơn và theo phản ứng, càng nhiều oxytocin được tiết ra trong sự buổi tiệc tình yêu của những phản ứng hóa học. Hơn thế nữa, nếu bạn xịt oxycotin lên mũi của chó, như những nhà nghiên cứu đã làm, nó sẽ nhìn chăm chăm vào chủ nhân lâu hơn, khơi mào cho một đại tiệc tình yêu khác. Nếu bạn thay chó bằng chó sói trong thí nghiệm này, sẽ chẳng có điều gì xảy ra cả.
Những tác động sinh học mà chó và người đã tạo ra cho nhau đã mang đến những thay đổi trong những gen kiểm soát sự sản sinh hormone và hóa chất thần kinh trong cơ thể chúng ta. Điều này đóng thêm một bằng chứng vững chắc cho lý thuyết của Dmitri Belyaev cho rằng sự chọn lọc thiên về tính thuần tạo ra một loạt những thay đổi trong việc sản sinh các hóa chất điều khiển chức năng của cơ thể. Dmitri đã nhấn mạnh những thay đổi trong sự sản sinh hormone trong lý thuyết của mình ngay từ đầu, vì khi ông mới bắt đầu lý thuyết của mình, hiểu biết về các chất thần kinh như oxycotin còn chưa được biết nhiều. Những nghiên cứu vào năm 1970 bắt đầu hé lộ vai trò quan trọng của những hóa chất thần kinh trong việc điều chỉnh hành vi của động vật, đặc biệt làm rõ những tác động của nó đến mức độ hạnh phúc hay buồn chán của động vật. Dmitri nhận ra rằng điều này cũng có thể bổ sung, hoàn thiện cho những thay đổi được tạo ra bởi quá trình phá vỡ chọn lọc. Những hiểu biết nhanh chóng mở rộng về độ nhạy cảm trong hành vi của động vật đối với những thay đổi hóa học xảy ra trong não và cơ thể của con người đã giúp giải thích tại sao hành vi của những con cáo thuần tính lại thay đổi nhanh chóng như vậy, và tại sao Lyudmila và Pushinla đã nảy nở mối liến kết mạnh mẽ như vậy.
Bản chất của đời sống tinh thần của những con vật chính xác là gì? Chúng ta không thực sự biết câu trả lời. Những câu hỏi về suy nghĩ là cảm xúc của động vật vẫn luôn là một trong nhưng câu hỏi khó trả lời nhất về hành vi của động vật. Darwin đã đoán rằng khả năng nhận thức và cảm xúc của loài vật cũng gần tương tự như của con người. Nhưng những đánh giá của Jane Goodall về tinh tinh đã tạo nên một cuộc tranh cãi nảy lửa về những suy đoán về đời sống nội tâm của động vật, đến mức giờ đây những yêu cầu để chứng minh điều này được đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, quan sát của Goodall, cùng với quan sát của những nhà động vật học khác cũng đã khơi gợi mối quan tâm về việc tìm ra những cách mới để tìm hiểu bản chất của suy nghĩ của động vật.
Nhà khoa học về nhận thức động vật Brian Hare đã có những đóng góp quan trọng trong những phát hiện về nhận thức xã hội của động vật qua những nghiên cứu của anh ở chó và các loài linh trưởng. Nghiên cứu đã cho thấy chó thể hiện tốt hơn tinh tinh trong những bài kiểm tra trí thông minh xã hội tiêu biểu, nó còn được gọi là bài kiểm tra chọn lựa đồ vật. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nếu họ đặt hai hộp kính mờ và sau đó đặt thức ăn vào trong một trong hai hộp mà không để tinh tinh biết, rất khó để gợi ý cho tinh tinh tìm ra nơi chứa đồ ăn. Loài tinh tinh vẫn không hiểu dù cho bạn có chỉ vào hộp có đồ ăn, nhìn chằm chằm hay sờ vào nó hoặc thậm chí là đặt một tấm gỗ trên hộp để làm dấu. Chúng không có xu hướng chọn hộp có chứa đồ ăn hơn hộp còn lại. Ngược lại, chó lại là thiên tài hình ảnh trong nhiệm vụ chọn đồ vật kiểu như thế này. Chó có thể hiểu được những dấu hiệu mà tinh tinh không thể nhận biết được.
Brian đã thực hiện nghiên cứu so sánh khả năng giữa chó và tinh tinh và khẳng định mức độ thông minh hơn của chó trong nhiệm vụ này. Sau đó anh tự hỏi: Tại sao chó lại giỏi ở nhiệm vụ này? Có thể là do chúng đã sống chung với người từ khi sinh ra và học được cách xử lý những việc như thế này. Hoặc có thể là tất cả động vật họ chó – gồm chó, chó sói, vân vân – đều giỏi trong những bài kiểm tra chọn đồ vật, và kết quả này không liên quan gì đến “tính đặc trưng của chó.” Cách duy nhất để hiểu được vấn đề này là thiết kế một thí nghiệm, trong đó, Brian có thể kiểm tra cả chó và sói trong nhiệm vụ này. Chó vẫn làm rất tốt như mọi khi, còn chó sói thì dường như không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Không phải tất cả các loài thuộc họ chó đều thực hiện được nhiệm vụ này. Brian cũng kiểm tra chó con ở những độ tuổi khác nhau. Tất cả chúng đều thực hiện tốt bài kiểm tra chọn lựa đồ vật. Anh kiểm tra cả những con chó ít tương tác, liên hệ và cả những con thường xuyên tương tác với con người. Tất cả chúng đều làm tốt trong bài kiểm tra này. Vì thế, Brian nhận ra, không phải số lượng thời gian sống với con người đã giúp chó làm được điều này.
Vậy thì tại sao, Brian tự hỏi, có phải chó có khả năng thiên bẩm trong việc giải quyết những nhiệm vụ nhận thức xã hội khó trong khi tinh tinh thì không. Câu trả lời, theo như Brian phỏng đoán, dường như có liên quan đến việc chó đã được thuần hóa. Anh đã viết trong một bài báo năm 2002 trên tờ Science rằng: “Có vẻ như những con chó với khả năng xử lý những tín hiệu xã hội một cách lanh lợi hơn so tổ tiên sói gần nhất của mình … đã đạt được lợi thế hơn trong quá trình chọn lọc.” Trong suốt quá trình thuần hóa, những con chó đủ thông minh để hiểu được những tín hiệu giao tiếp của con người sẽ có thể kiếm được nhiều thức ăn hơn vì chúng có thể làm những việc mà con người muốn chúng làm, và con người sẽ quẳng cho chúng những mẩu thức ăn thừa như một phần thưởng. Cũng có thể chúng đã học được những tín hiện mà vốn dĩ con người không có ý muốn chúng phải học, và hưởng lợi từ thức ăn không phải dành cho chúng.
Điều này hoàn toàn có lý. Những kĩ năng của chó là sự thích nghi tuyệt vời với hoàn cảnh sống mới, và được chọn lọc bởi những chủ nhân mới của chúng. Anh đã đi đến một cách giải thích gọn ghẽ tuyệt vời cho một câu hỏi quan trọng, điều một nhà khoa học trẻ luôn mơ tới.
Người hướng dẫn của anh, nhà linh trưởng học Richard Wrangham, lại nghĩ ngược lại. Ông ấy đồng ý với Brian rằng, việc thu nhận thêm kĩ năng mới chắc hẳn phải liên quan đến quá trình thuần hóa, nhưng liệu cách giải thích rằng con người đã chọn lựa những con vật có khả năng xã hội cao hơn có phải cách lý giải duy nhất? Có phải cứ nhất thiết là khả năng học tuyệt vời có thể đoán được những tín hiện giao tiếp của con người của chó được ưu tiên hơn trong quá trình chọn lọc? Wrangham cho rằng chúng không phải như thế. Ông đề xuất một giả thuyết thay thế. Có thể, chỉ có thể thôi, khả năng này là một sản phẩm ngẫu nhiên của quá trình thuần hóa. Ông đưa ra ý kiến rằng việc học được những tín hiệu giao tiếp của con người không được chủ ý chọn lọc, nó chỉ đi đi tình cờ xuất hiện trong quá trình cùng với các đặc tính khác đã được chọn lọc. Brian quyết định chấp nhận thử thách kiểm chứng hai ý tưởng không thống nhất của họ, và họ đã có một cuộc cá cược nhỏ xem ai là người đúng.
Chỉ có một nơi duy nhất Brian có thể làm thử nghiệm này, đó chính là ở trang tại cáo. Đó chính là nơi duy nhất con vật được thuần hóa từ những bước đầu tiên, đó cũng là nơi có những nhà nghiên cứu biết chính xác những động lực chọn lọc nào đã tham gia vào quá trình thuần hóa, họ cũng biết trí thông minh xã hội không phải là một trong số những động lực đó. Nếu Brian đúng thì cả những con cáo đã được thuần hóa và những con sói thường đều không thành công trong những bài kiểm tra trí thông minh xã hội như thế này, vì những người ở trang trại cáo không chọn lọc chỉ dựa trên trí thông minh xã hội. Còn nếu Richard đúng, và nếu thật sự trí thông minh xã hội là sản phẩm phụ của sự thuần hóa, thì những con cáo được thuần hóa cũng sẽ thể hiện tốt như chó, còn những con cáo khác thì không. Khi Brian liên lạc với Lyudmila thông qua một người đồng nghiệp của cô, để hỏi liệu cô có đồng ý cho anh có thể thực hiện nghiên cứu của minh không, và Lyudmila đáp lại rằng cô hoàn toàn đồng ý. Thế là Brian đến Novosibirsk.
Anh đã kiểm tra 75 con cáo con, mỗi con nhiều lần. Kết của rất rõ ràng. Khi so sánh cáo con được thuần hóa với cún, chúng cũng thông minh ngang ngửa loài chó. Và khi so sánh kết quả của chúng với những con cáo thường khác, chúng thông minh hơn rất nhiều, ở cả việc tìm thức ăn ẩn dấu trong trong hộp được người ta chỉ và nhìn vào, lẫn trong thí nghiệm chạm vào đồ chơi mà Brian hoặc đồng nghiệp của anh đã chạm vào.
Kết quả hoàn toàn đồng nhất với giả thuyết của Wrangham. Những con cáo thường hoàn toàn mù tịt trong những nhiệm vụ về nhận thức xã hội, trong khi những con cáo được thuần hóa thể hiện xuất sắc, thậm chí còn có phần tốt hơn cả chó. Trí thông minh xã hội, bằng cách này hay cách khác, đã “quá giang” trong quá trình thuần hóa của chúng.
Brian đành chấp nhận rằng “Richard đã đúng còn tôi đã sai … điều này thực sự khiến tôi chấn động.” Đột nhiên, anh nhìn nhận sự tiến hóa của trí thông minh, và cả quá trình thuần hóa theo một cách hoàn toàn khác. Anh đã từng nghĩ chủ ý của con người nuôi muốn gây giống chó thông minh hơn đã tạo ra trí thông minh xã hội của chó. Nhưng nếu đặc điểm này nảy sinh trong quá trình chọn lọc ưu tiên sự thuần tính thì đó cũng chính là bằng chứng ủng hộ quan điểm cho rằng quá trình thuần hóa chó sói vốn không liên quan đến việc chọn lọc trí thông minh xã hội ngay từ lúc ban đầu. Brian giờ tin rằng sự chọn lọc chú trọng vào tính thuần có thể đã đưa chúng vào quá trình thuần hóa, vì những con sói vốn dĩ hiền hơn chút ít bắt đầu tụ tập gần các nhóm người và có được lợi thế sinh tồn nhờ có nguồn thức ăn dồi dào. Có thể chính chó sói đã tự mình bắt đầu quá trình thuần hóa, như Dmitri Belyaev đã dự đoán và lập luận về quá trình thuần hóa của chính loài người.
Lyudmila biết rằng Dmitri chắc sẽ rất mừng với phát hiện của Brian, vì kết quả này hoàn hoàn khớp với lý thuyết về sự chọn lọc phá vỡ. Đảo lộn bộ gen của cáo bằng việc đặt chúng vào một môi trường mới, nơi hành động điềm tĩnh trước con người chính là thứ có giá trị sử dụng tối cao, và bạn sẽ có được thêm nhiều những thay đổi khác – những đôi tai cụp, cái đuôi cong tít, ve vẩy, và cả ý thức xã hội tốt hơn.
Nếu bạn thích bài viết này, bạn có thể xem thêm bài viết Duy nhất chó hoang là chó thực thụ của zeal để có thêm một góc nhìn khác về sự khác biệt giữa chó và sói.
Đây là một phản ứng tâm lý xảy ra trong những hoàn cảnh nguy cấp, căng thẳng. Những phản ứng thường thấy như là tim đập nhanh, tay toát mồ hôi, vân vân.↩