Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Aceae | Hiệu đính:  Dexter, Nguyên
23/07/2016
Phần đầu tiên trong chuỗi bài độc-quyền-zeal về xuất bản khoa học/xuất bản hàn lâm và ảnh hưởng ngược của nó đến khoa học nói chung, bàn về mô hình xuất bản khoa học truyền thống và những điểm đáng tranh cãi về nó. Đọc phần 2 tại đây.

Thi thể của Aaron Hillel Swartz được phát hiện trong căn hộ của anh ở Brooklyn, thành phố New York vào tối ngày 11/01/2013. Swartz, một lập trình viên thiên tài và đồng thời là một nhà hoạt động xã hội, đã treo cổ tự vẫn. Anh mang tổng cộng 13 tội danh.

Swartz bị bắt vào ngày 6/1/2011. Khi còn là nghiên cứu sinh ở Đại học Harvard, anh đã sử dụng mạng máy tính của Học viện Công nghệ Massachusetts (viết tắt là MIT; khuôn viên Harvard và MIT rất gần nhau) để truy cập kho dữ liệu trực tuyến JSTOR và tải về 4,8 triệu bài báo khoa học (khoảng 80% cơ sở dữ liệu của họ) nhằm đẩy toàn bộ dữ liệu này lên mạng và biến chúng thành tài liệu miễn phí cho tất cả mọi người.

Việc anh bị bắt, bị truy tố, và sau đó là cái chết của anh làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi và đưa Swartz trở thành một tượng đài thời đại công nghệ số. Vì sao hành động của anh ta lại sai ngay từ ban đầu? 

“Ai là người sở hữu kiến thức khoa học?”

Không thể phủ nhận những gì Swartz đã làm là phạm pháp nếu ta dựa trên chính sách tải dữ liệu của JSTOR. Chắc chắn phải có lý do khiến anh hành động như vậy và khiến JSTOR liên tục yêu cầu MIT tìm ra và chặn đứng tên hacker. Những bài viết khoa học này đáng ra không hề được truy cập miễn phí, trong khi Swartz tin rằng chúng nên được mở cho toàn bộ công chúng. Tháng 7 năm 2008, anh viết đầy thất vọng trong bài viết kêu gọi của mình, “Guerilla Open Access Manifesto”: “Thông tin là sức mạnh. Nhưng cũng như mọi quyền lực khác, có những kẻ muốn giữ chúng làm của riêng.” Anh kêu gọi rằng, “chúng ta cần lấy thông tin ở bất kỳ nơi nào mà chúng được lưu trữ, sao lại và chia sẻ chúng với thế giới.”

Dường như hành động của Swartz đã phần nào đó có ảnh hưởng tới chính sách của JSTOR về tiếp cận mở (open access). Ngày 9/1/2013, JSTOR thông báo một chương trình cho phép những người dùng đã đăng ký tài khoản đọc miễn phí 3 bài báo mỗi tuần; hiện giờ tôi có thể tải các bài báo cho mục đích cá nhân trực tiếp từ trang web này. Động thái này được thực hiện trước khi Swartz tự sát hai ngày, nhưng đã quá muộn với anh.

§

Có lẽ trước khi đi tiếp thì chúng ta nên hiểu hơn một chút về thế giới xuất bản hàn lâm, vốn có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng rất khác so với ngành xuất bản sách hay báo-tạp chí truyền thống. Hầu hết các nhà khoa học, khi muốn công bố kết quả nghiên cứu của mình, đều tìm đến các tạp chí khoa học (scientific journals). Có những tạp chí chuyên ngành như Ecology hay thậm chí đi sâu vào chuyên ngành hơn nữa như Biogeography, và có những tạp chí tổng hợp hơn như Science hay Nature. (Đây là các tạp chí khoa học đăng các bài viết mô tả nghiên cứu (primary literature), còn các tạp chí như Scientific American chuyên đăng các bài viết tổng hợp lại các nghiên cứu đã có sẵn, thường với nhiều yếu tố kể chuyện được lồng ghép hơn).

Khi một nghiên cứu được hoàn thành, các nhà khoa học sẽ viết lại mục đích, cách làm, kết quả của nghiên cứu của mình, cô đọng lại thành bài viết khoa học/nghiên cứu (scientific hay research paper). Bản thảo này được gửi đến các tạp chí khoa học và nếu vượt qua kiểm định ban đầu sẽ trải qua một quá trình gọi là bình duyệt (peer review). Từ hai đến ba, bốn nhà khoa học trong ngành liên quan sẽ đọc bài viết và cho ý kiến về độ xác thực và giá trị của nghiên cứu. Đây là cách mà giới khoa học cho phép một nghiên cứu được công bố, hay nói một cách trừu tượng hơn là mở cổng, cho một mẩu kiến thức được tự do lưu hành trong dòng kiến thức chung của nhân loại.

Dòng kiến thức này lưu chuyển bằng những chuỗi trích dẫn (citations), khi ở cuối một bài viết trích dẫn những nguồn thông tin đã truyền cảm hứng hay cung cấp số liệu cho các tác giả sử dụng.

§

Trước tiên ta hãy quay lại điểm khởi đầu của ngành xuất bản đặc biệt này. “The Philosophical Transactions of the Royal Society,” thường được coi là tạp chí khoa học đầu tiên, được sáng lập bởi Thư ký của Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Henry Oldenburg vào năm 1665, cũng đúng vào tầm những tạp chí thường san bắt đầu xuất hiện. Trước đó, thư tín cá nhân được dùng để truyền tải thông tin tri thức, trong khi những nhà quý tộc-khoa học (thời này thì làm khoa học chủ yếu là sân chơi của nam giới tầng lớp trên, đủ điều kiện để họ không phải quá lo về miếng cơm manh áo) nếu muốn có thể in sách để lan tỏa ý tưởng của họ.

Trong khi tạp chí này đang kỷ niệm sinh nhật thứ 351, thật ngạc nhiên khi biết rằng mô hình của nó giống mô hình xuất bản khoa học hiện nay nhiều hơn ta tưởng: bố cục của một bài viết gần như không thay đổi, hệ thống bình duyệt và mô hình kinh doanh cũng vậy (1, 2). Số lượng tạp chí thì lại tăng chóng mặt, từ khoảng 1.000 tạp chí ở thế kỷ 18 lên đến gần 30.000 tạp chí ngày nay (mới chỉ tính số tạp chí bằng tiếng Anh).

Tạp chí khoa học tiên phong này đánh dấu việc công bố, lưu hành và lưu trữ kiến thức khoa học một cách hệ thống đầu tiên, thời điểm cũng khá trùng hợp với sự ra đời của phương pháp khoa học (scientific method) mà chúng ta biết đến ngày nay. Dễ thấy là công bố khoa học là nền tảng của sự hợp tác giữa việc làm khoa học và kho kiến thức của nó. Bài nghiên cứu đóng vai trò đại diện cho nhà khoa học và ý tưởng của họ, trường tồn với thời gian kể cả khi người viết/người thực hiện nghiên cứu mất đi. Nếu khoa học là một quá trình sản xuất kiến thức, thì cập nhật các bài viết mới trong chuyên ngành giúp công cụ luôn sắc bén.

Nếu Newton có thể “đứng trên vai những người khổng lồ,” đó là nhờ hệ thống xuất bản khoa học đã ra đời và trở thành chiếc vai đó (mặc dù ở thời Newton thì nó chưa có mặt). Lưu trữ và công bố kiến thức khoa học về nguyên tắc là một điều tốt, tuy vậy cách chúng ta thực hiện việc này cũng vô cùng quan trọng. Hiện thực của ngành xuất bản khoa học có tác động ngược trở lại tới gần như là mọi mặt của việc làm khoa học. Nhiều nghiên cứu đã điều tra tác động của những công nghệ mới lên truyền bá thông tin; nhưng chiều ngược lại thì chưa có nhiều người động tới.

§

Năm 1942, nhà xã hội học người Mỹ Robert Merton đưa ra bốn quy phạm hay quy tắc mà khoa học (với tư cách là một thể chế của loài người) nên có. Chúng bao gồm Communism, Universalism, Disinterestedness, và Organized Skepticism. Tạm giải nghĩa theo thứ tự thì Communism: dòng chảy kiến thức khoa học là của chung, một khi một mẩu kiến thức đã ra khỏi tay người tạo ra nó; Universalism: người tạo ra kiến thức cần được đánh giá khách quan và ngang bằng nhau, ai cũng có thể đóng góp kiến thức; Disinterestedness: người tạo ra kiến thức không được theo đuổi lợi ích cá nhân; và Organized Skepticism: với mỗi mẩu kiến thức, cần đánh giá đúng giá trị và chất lượng của nó. Merton vẽ ra một bức tranh lý tưởng về tòa tháp ngà cao quý và đầy lý trí, đúng như cách ta thường nghĩ về nó hay về phương pháp khoa học. Tuy vậy, nếu thực sự bức tranh của Merton thể hiện sự thật, và kiến thức là của chung, tại sao tiền bạc và quyền truy cập lại xuất hiện ở đây?

Thời thế kỷ 17 thì chưa có quy tắc Mertonian nào để khiến Oldenburg chùn chân; mà kể cả có thì chi phí in ấn và các chi phí khác vẫn phải được chi trả. Các thành viên của Hiệp hội Khoa học Hoàng gia có thể nắm trong tay tờ Philosophical Transactions miễn phí; trong khi những người không phải là thành viên cần trả một khoản tiền đăng ký nếu họ muốn đọc tạp chí này. Lý do Oldenburg lựa chọn mô hình kinh doanh này thực ra rất dễ hiểu. Mặc dù không phải là một nhà khoa học, nhưng ông là một người khôn ngoan và quảng giao. Ông sáng lập tờ Philosophical Transactions với tư tưởng của một doanh nhân, với mục đích là kiếm tiền từ nó. Chắc chắn là phát minh về phương pháp in ấn Gutenberg đã khiến ý tưởng dự án của ông khả thi, vì chính nó đã mở ra kỷ nguyên sản xuất và luân chuyển thông tin đại trà.

Rõ ràng, một ngành khoa học lý tưởng theo như mường tượng của Merton thậm chí dường như không phải là một hình ảnh cao quý đã mất mà chúng ta cần phải khôi phục: những dòng nước tư nhân trong một biển kiến thức “của chung” đã luôn tồn tại ngay từ đầu.

Một hóa thạch sống

Trong sinh học, một loài được gọi là hóa thạch sống khi hình thái của nó không có nhiều khác biệt so với tổ tiên cổ đại, bất kể núi non biển cả có đổi thay thế nào trong hàng trăm, hàng chục triệu năm ngăn cách giữa chúng và loài tổ tiên. Những ví dụ có thể kể tới là một vài loài cá mập, hay loài cá vây tay nổi tiếng, hay loài cua móng ngựa.

Loài ốc anh vũ thuộc chi Nautilus, thường được coi là một hóa thạch sống. Ngoài ra chúng còn đại diện cho cảm hứng nghệ thuật toán học trong tự nhiên, với bộ vỏ mang “tỷ lệ vàng.” Nguồn: Flickr

Tôi thấy hiện tượng này có nét tương đồng với tạp chí khoa học truyền thống. Những đặc tính căn bản nhất của nó, ta đều có thể thấy từ 1665 cho đến ngày nay. Singleton (2014) trích dẫn 13 đặc tính mà ở tạp chí khoa học hiện đại cũng tương đồng với số đầu tiên của tờ Philosophical Transactions, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở: Thư gửi tới Ban biên tập, Câu hỏi thường gặp, gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo, đánh giá sách, trích dẫn, bình duyệt, và (đáng ngạc nhiên là) quảng cáo. Nhưng tất cả đây chỉ là những thứ được in ra trên giấy. Điều làm tôi hứng thú hơn lại là việc mô hình kinh doanh đằng sau trang giấy không hề thay đổi.

Phóng to ý tưởng của Oldenburg lên một ngàn lần thì chúng ta có được tình hình thực tế hiện nay. Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu của họ, thảo ra một bài viết, gửi nó cho nhà xuất bản để được công bố, và những bên muốn truy cập thông tin này cần trả tiền cho bên xuất bản. Không có gì thay đổi quá nhiều.

§

Nếu Newton có thể “đứng trên vai những người khổng lồ,” đó là nhờ hệ thống xuất bản khoa học đã ra đời và trở thành chiếc vai đó.

Mô hình đăng ký có cước phí truyền thống tạo ra chi phí định kỳ hàng ngàn đô la mỗi năm; thư viện của các trường đại học, các viện nghiên cứu khó có thể chi trả toàn bộ chi phí này, chứ đừng nói gì đến các cá nhân. (Ít có thư viện nào ở các nước phát triển, hay là chính ở Việt Nam, có ngân sách cho việc này.) Vì thế, theo nhà xã hội học người Đức Max Weber, chúng ta “gặp phải tình trạng xảy ra bất cứ khi nào việc kinh doanh xuất hiện: sự ‘tách rời của người công nhân với tư liệu sản xuất của anh ta’” (Weber, 1946). Các nhà khoa học bị gắn chặt với các trường đại học, các viện nghiên cứu, vì nếu không thể truy cập các tạp chí khoa học, họ sẽ thiếu một phương tiện quan trọng trong việc tạo ra tri thức.

Khó mà tin rằng các quy tắc Mertonian như Communism hay Universalism có thể tồn tại trong thực tế, khi chúng ta nhận ra rằng bản thân các nhà nghiên cứu cũng gặp vấn đề trong việc tiếp cận tài liệu, gây trở ngại cho việc nghiên cứu của họ. Nếu người làm chuyên môn đã gặp khó khăn như vậy, khó có thể hình dung những bức tường thành không thể xuyên phá bao quanh tòa tháp ngà khoa học này đã gây trở ngại đến mức nào với những học sinh hay những người ngoài cuộc, khi mà mỗi khi họ cố gắng để tìm đọc một bài nghiên cứu thì lại bắt gặp một thông báo đòi trả tiền mới được truy cập. Thất vọng đủ thì họ sẽ ngừng cố gắng luôn. Như thành Cổ Loa và con ốc anh vũ, sự khó khăn trong tiếp cận kiến thức khoa học xây lớp đầu tiên của một tòa thành kiên cố, ngăn cách thế giới hàn lâm với xã hội. Chẳng ngoa khi nói thế giới hàn lâm như một tòa tháp ngà, lấp lánh và đẹp đẽ, nhưng lại cao xa, quá tầm với.

§

Ai có thể tạo ra tri thức? Làm thế nào để có thể tạo ra tri thức? Làm thế nào để tri thức tạo ra được công nhận? Đối với hầu hết mọi người, câu trả lời thực tế nhất cho cả ba câu hỏi trên là có một vị trí trong trường đại học hay viện nghiên cứu (hay chính là thâm nhập vào trong tường thành bao quanh kiến thức ở trên). Công thức để đạt được điều này thường dựa rất nhiều vào các bài báo khoa học ta có thể gắn tên mình trên đó (khi đi học tiến sỹ hay làm nghiên cứu sinh). Bởi vì chúng có thể đo lường, các bài nghiên cứu hiển nhiên trở thành một thước đo để đại diện cho thực lực của người làm khoa học. Lại một bức tường cao hơn, khó trèo hơn.

Khi trải qua quá trình cất nhắc để được lên hàng Giáo sư, các Phó Giáo sư được đánh giá dựa trên số bài nghiên cứu, số lượng trích dẫn, và uy tín của tạp chí mà bài viết của họ được đăng. Một hay tốt hơn là vài bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí lẫy lừng như Nature, Science, Cell, và PNAS (Proceedings of the National Academy of Science) sẽ giúp tương lai thăng tiến của những nhà nghiên cứu trẻ đáng kể. Ngoài những uy tín “vốn có”, những bài công bố trên những tạp chí này sẽ được đọc và dẫn nguồn nhiều hơn.

Liệu một bài viết được trích dẫn (cite) ở các bài viết khác bao nhiêu lần, con số này (hay còn gọi là citation count) đóng vai trò như một phương thức đo lường “sự thật,” vì nó đại diện cho mức độ mẩu tri thức trình bày trong bài viết được cộng đồng khoa học biết tới và liệu mẩu kiến thức này đã được kiểm chứng và mở rộng thêm hay chưa (3). 1

§

Rõ ràng, một ngành khoa học lý tưởng theo như mường tượng của Merton thậm chí dường như không phải là một hình ảnh cao quý đã mất mà chúng ta cần phải khôi phục.

Vấn đề đáng nói nhất là số lượng trích dẫn không chỉ xác định “sự thật” ở thì hiện tại, mà còn quyết định khả năng nghiên cứu, hay là tạo ra sự thật, của các nhà khoa học ở thì tương lại. Có lẽ đây là vấn đề lớn nhất của mô hình xuất bản truyền thống, tách biệt khỏi câu hỏi về quyền truy cập tri thức. Kể cả khi đã đạt được một vị trí trong tòa tháp ngà, phần lớn các nhà khoa học vẫn đi theo vòng tuần hoàn grant-research-publish (xin tiền tài trợ – nghiên cứu – công bố). Có một câu nói “Công bố hay là Tèo” – Publish or Perish – mà đáng buồn là đã trở thành phương châm của nhiều nhà khoa học. Không phải là vì họ muốn vậy, mà bởi vì họ không thể làm khác, nếu muốn sống và gắn bó với đam mê của mình. Câu nói này, dù vô tình hay hữu ý, đã phản ánh nghiên cứu chỉ là một phương tiện để đạt tới mục tiêu cuối cùng là bài báo khoa học.

Một khía cạnh khác liên quan đến vấn đề này nằm ở câu hỏi: ”Liệu một bài báo khoa học có được đăng hay không, và nếu có thì sẽ được đăng ở đâu?” Thật ngược đời là điều này lại một phần tùy thuộc vào việc câu hỏi nào được đặt ra, chứ không chỉ là chất lượng của bản thân nghiên cứu. Lẽ đương nhiên là các tạp chí danh giá nhất sẽ cố gắng hạn chế số bài viết được phép in trên giấy của họ, và đến lúc này thì tiêu chuẩn để lựa chọn không còn chỉ bao gồm tính xác thực và đáng tin cậy của bài viết 2. Họ thường thích những bài viết thách thức những ý tưởng hiện thời hay cho thấy những kết quả “mới lạ.” Ở một khía cạnh nào đó, điều này nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển những ý tưởng mới trong khoa học. Nhưng điều này cũng có nghĩa là việc lặp lại những nghiên cứu trước đó để xác nhận kết quả của chúng, hay là những kết quả “không cho thấy gì” (negative results)  khó mà được công bố, trong khi cả hai đều là một phần thiết yếu của khoa học, và không có chúng thì ta không thể nói rằng khoa học lý trí và khách quan được. Nếu việc nghiên cứu không dẫn tới một bài viết được công bố, khó ai có động lực để theo đuổi nó.

Số lượng trích dẫn không chỉ xác định “sự thật” ở thì hiện tại, mà còn quyết định khả năng nghiên cứu, hay là tạo ra sự thật, của các nhà khoa học ở thì tương lại.

Tòa thành bao quanh kiến thức không chỉ là trở ngại với những người đúng ngoài nó, mà cũng gây không ít khó khăn với những người mắc kẹt ở trong. Nó cầm tù thế giới hàn lâm, khiến cho khoa học vừa trở nên quá tầm với, nhưng cũng lại mang tiếng là kiêu căng và kén chọn. Đương nhiên là có lý do để chọn lọc những ý tưởng và kiến thức nào được công bố, nhưng hệ thống được xây lên cho mục đích này lại chắn đường cho nghiên cứu khoa học, vốn là một bản năng đến từ trí tò mò của con người.

§

Có lẽ là phép so sánh với các loài sinh vật “hóa thạch sống” đến đây phải ngừng lại. Sở dĩ những hóa thạch sống có thể sống sót được qua nhiều triệu năm trên Trái đất khắc nghiệt thường là vì cách chúng tồn tại, hay là “chiến lược sống còn” của chúng vô cùng thành công và có thể thích nghi với nhiều điều kiện khác nhau. Ta khó có thể thấy điều này ở mô hình xuất bản khoa học truyền thống. Mô hình truyền thống của xuất bản khoa học, dù hợp lý trong hoàn cảnh ra đời, đang dần mất vị thế trong chính cộng đồng của nó, vì những lý do đã nêu ở trên.

Một câu hỏi phổ biến trong cuộc tranh luận này là “Ai là người sở hữu kiến thức khoa học?” Để trở lại với Swartz, anh đã viết: “di sản khoa học và văn hóa của nhân loại, được công bố và lưu trữ trong sách và tạp chí, đang ngày càng được số hóa và khóa lại bởi một vài tổ chức tư nhân. Muốn đọc các bài viết chứa những phát hiện quan trọng nhất của khoa học à? Bạn sẽ cần phải nộp rất nhiều tiền cho những nhà xuất bản như Elsevier.” 

Bằng sáng chế và bản quyền tồn tại để con người được khen thưởng cho những gì họ đã tạo ra. Tuy vậy, gần đây có một vài công ty sử dụng chúng để chiếm quyền sở hữu những gì họ không tạo ra. Không có người nào sáng chế ra gen “ung thư vú” BRCA1, và công ty xin được cấp bằng sáng chế cho hiện tượng tự nhiên này còn không góp công lớn trong việc tìm ra nó; họ chỉ ghép nối mảnh ghép cuối cùng vào bức tranh. Không có công ty nào sáng tạo ra cây neem hay gạo Basmati. Nhưng điều đó chẳng ngăn cản các tập đoàn khỏi việc xin cấp bằng sáng chế cho những việc đó. Một vài nhà xuất bản, điển hình là Elsevier, hiện nay đang cố gắng làm điều tương tự với kiến thức khoa học. Họ thiết lập hệ thống lưu trữ điện tử để khiến họ trở thành những người sở hữu phần lớn kiến thức khoa học (5).

Chính xác là một nhà xuất bản đóng góp giá trị gì cho một bài nghiên cứu? Mô hình của những nhà xuất bản trong lĩnh vực học thuật không giống với mô hình của những nhà xuất bản thông thường khác. Các nhà khoa học không được trả công để viết bài mô tả chính nghiên cứu của họ. (Thật vậy, như đã nói ở trên, thứ “tiền tệ” trong giới học giả thường là danh tiếng của họ, nhờ vào việc được đăng bài và được trích dẫn, nhờ vậy họ có thể hy vọng vào những đợt tăng lương, những lời mời tới các buổi nói chuyện, những hợp đồng xuất bản sách.) Những nhà khoa học tham gia vào quá trình bình duyệt và những người biên tập cũng không được trả tiền, nhưng họ xem quá trình này như một sự đóng góp cần thiết dưới tư cách là một thành viên trong cộng đồng khoa học, bởi vì họ quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của kho kiến thức họ sử dụng. Nếu người tham gia bình duyệt được trả tiền, cũng sẽ nảy sinh vấn đề của nó.

Hầu như toàn bộ các khâu trong quá trình xuất bản được thực hiện bởi chính bản thân các nhà khoa học. Trong khi đó, những công ty xuất bản gần như chẳng đóng góp gì cho việc tạo ra kiến thức, nhưng lại hưởng lợi nhuận từ việc đó. Môi trường xuất bản khoa học đang dần trở nên độc quyền: hiện nay có khoảng 4-5 công ty quốc tế sở hữu phần lớn các tạp chí khoa học; những cái tên lớn nhất có thể kể đến là Elsevier, Blackwell Publishing, Springer. Nhiều nguồn tin cho biết tỷ suất lợi nhuận của hằng năm Elsevier rơi vào khoảng 30-40%; để so sánh, tỷ suất lợi nhuận của Exxon Mobil là khoảng 28%.

Mặt khác, vị trí của JSTOR lại mong manh hơn. “Mô hình kinh doanh của nó là bán quyền truy cập vào các bài viết trên các tạp chí khoa học, nhưng JSTOR không sở hữu các bài viết này. Nếu nó không thể tự bảo vệ chính mình, các tạp chí có thể kéo tài liệu của họ ra khỏi thư viện này và đe dọa sự sống còn của JSTOR” (6). Hệ thống pháp luật liên quan đến việc này thì luôn phức tạp, nhưng nghịch lý là người sản xuất và người tiêu dùng kiến thức khoa học thường là một. Tại sao giới khoa học (hay mở rộng ra là quần chúng nói chung) lại phải trả tiền để có thể truy cập chính các công trình họ đã làm ra không công?

Có thể chúng ta sẽ phán xét hành động của Aaron Swartz, nhưng sự kiện này cho thấy sự mâu thuẫn ẩn sâu trong thế giới xuất bản khoa học. Trong phần hai, chúng ta sẽ tiếp tục bàn về một thay đổi mới đây trong ngành xuất bản khoa học: mô hình tiếp cận mở (open-access) và cách nó thay đổi nhiều khía cạnh trong cả xuất bản khoa học và làm khoa học.

 

Tài liệu tham khảo:

(1): Singleton, A. (2014). The First Scientific Journal. Learned Publishing, 27(1), 2-4.  

(2): Willinsky, J. (2006). The access principle: The case for open access to research and scholarship. MIT Press.  

(3): Weber, M. (1946). Science as a Vocation. From Max Weber: Essays in Sociology. Oxford University Press, pp. 129-56.

(4): Poynder, R. (2011). PLoS ONE, Open Access, and the Future of Scholarly Publishing. Retrieved May 30, 2015, from http://poynder.blogspot.com/2011/03/plos-one-open-access-and-future-of.html  

(5): Saunders, P. (n.d.). Who Owns Scientific Knowledge? Retrieved May 31, 2015, from http://www.i-sis.org.uk/knowledge.php  

(6): Bombardieri, M., & Carol, M. (2014). Aaron Swartz and MIT: The inside story – The Boston Globe. Retrieved May 23, 2015, from https://www.bostonglobe.com/metro/2014/03/29/the-inside-story-mit-and-aaron-swartz/YvJZ5P6VHaPJusReuaN7SI/story.html  


  1. Khi có đủ thời gian và số lượng trích dẫn cần thiết, một mẩu kiến thức có thể được “chấp nhận” mà không cần phải trích dẫn nữa. Điển hình như là thuyết tiến hóa bằng cơ chế chọn lọc tự nhiên của Darwin, mặc dù có nhiều mâu thuẫn với các tổ chức tôn giáo, bây giờ không ai còn bàn cãi về việc tiến hóa là có thật hay không, và cũng ít ai trích dẫn cuốn Nguồn gốc muôn loài nữa; bây giờ các nhà nghiên cứu chỉ còn tranh cãi về các chi tiết, cơ chế cụ thể hơn. Sự tồn tại của một “hệ thống thứ bậc các tạp chí” này có nghĩa là “thực tế thì mọi bài nghiên cứu sớm muộn đều sẽ được công bố” (4). Tuy vậy, đối với những bài viết không được đọc (hoặc đơn giản là không được trích dẫn) thì có thể nói là bao nhiêu công sức gần như đổ bể; kiến thức dù có được tạo ra nhưng cũng sẽ không chảy vào dòng lưu chuyển kiến thức chung. Cơ chế trích dẫn khá phức tạp và đã là chủ đề của nhiều cuộc điều tra xã hội trong những năm 1980, nhưng điều đó không thuộc phạm vi của chúng ta ở đây.

  2. Có nghĩa là liệu nghiên cứu có được thực hiện theo đúng phương pháp khoa học hay không, dữ liệu có được diễn giải hợp lý hay không,…

8 thoughts on “Đứng trên vai những người khổng lồ (phần 1)

  1. Bài này ngay trên phần giới thiệu đã nói là độc quyền của zeal. Thế sau này nhỡ zeal bán quyền truy cập thì có bị mâu thuẫn không?

    1. Bản quyền bài viết ngoài thuộc về zeal còn thuộc về tác giả nữa. Nhưng mình chưa hiểu ý bạn về việc bán quyền truy cập lắm.

  2. Ngắn gọn : tri thức đang bị làm tiền :v . Cơ cái này đáng lẽ phải viết lâu rồi :v

    1. Chào bạn, mình là tác giả bài này. Theo mình thì bài viết có ý hơi khác với tóm tắt ngắn gọn của bạn một chút, bạn đọc thêm phần 2 nhé!

    1. Cảm ơn bạn góp ý nha! Bọn mình đang chuẩn bị design mới cho site, mong là sẽ giải quyết đc vấn đề này!

Leave a Reply to Ooker Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất