a
§ Tác giả: Srinath Perur | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Aceae
18/12/2016
Vào thế kỷ thứ nhất TCN, đây là một trong những bến cảng thương buôn quan trọng nhất của Ấn Độ, nơi mà việc xuất khẩu – đặc biệt là mặt hàng tiêu đen – khiến ngay cả đế chế La Mã hùng mạnh cũng phải rơi vào cảnh nợ nần. Nhưng liệu các nhà khảo cổ học đã thực sự tìm thấy Muziris, và tại sao nơi này lại bị xóa sổ khỏi bản đồ?

Khoảng 2.000 năm về trước, Muziris1 là một trong những bến cảng giao thương quan trọng nhất của Ấn Độ. Theo Akananuru, một tuyển tập các bài thơ tiếng Tamil từ thời kỳ này, đây là “thành phố mà những con tàu tuyệt đẹp, tuyệt tác của cộng đồng người Yavanas [Người phương Tây]2, khuấy động những cơn sóng bọt trắng trên dòng Periyar, con sông của Kerala3, cập bến với vàng bạc và rời bến với tiêu đen.”

India Malabar Coast locator map.svg
Vị trí của Kerala ở Ấn Độ. Nguồn: Wikimedia.

Một bài thơ khác nói về Muziris (còn được biết đến là Muciripattanam hay Muciri) như một “thành phố tràn trề những rượu,” và “ban phát sự giàu có lên những kẻ viếng thăm không chút phân biệt” với “vàng, chở bởi những con tàu đi biển và đưa đến bờ sông bởi các thuyền địa phương.”

Tác gia người La Mã Pliny, trong cuốn Natural History (Tạm dịch: Lịch sử tự nhiên) của mình, gọi Muziris là “bến chợ đầu tiên của Ấn Độ.” Thành phố xuất hiện một cách bề thế trên bản đồ Tabula Peutingeriana, một tấm bản đồ thế giới ra đời vào thế kỷ thứ năm với điểm nhìn từ La Mã. Nhưng kể từ đó, câu chuyện về cảng biển Ấn Độ vĩ đại này lại trở nên bí ẩn. Khi những báo cáo về vị trí của nó ngày càng thất thường, nó rơi ra khỏi bản đồ theo đúng nghĩa đen.

TabulaPeutingerianaIndo-Scythia.jpg
Một phần của bản đồ Tabula Peutingeriana cho thấy vị trí của Muziris nằm ở góc dưới bên phải bản đồ. Nguồn: Wikimedia.

Ở Ấn Độ ngày nay, Muziris được coi là một huyền thoại hơn là một thành phố thực sự – cho đến khi những cuộc khai quật khảo cổ ở bang miền nam Kerala, bắt đầu từ năm 2004, đưa ra những báo cáo về một cảng biển bí ẩn đã mất. Mặc dù các nhà khảo cổ học không thể kết luận chắc chắn, họ – và với một số ngoại lệ thì ngay cả những nhà sử học – cũng tin rằng họ đã tìm ra được vị trí của Muziris.

“Đây là vị trí trung tâm quan trọng trong việc giao thương với La Mã,” Federico De Romanis, giáo sư ngành Lịch sử La Mã tại Đại học Rome Tor Vergata nói. “Điều làm nó thực sự đặc biệt là lượng tiêu đen khổng lồ xuất khẩu từ Muziris. Chúng ta đang nói đến khối lượng tiêu lên đến hàng ngàn tấn.”

Bên cạnh tiêu đen, theo De Romanis, các mặt hàng xuất khẩu bao gồm cả những sản phẩm địa phương – ngà voi, ngọc trai, các loại gia vị như quế (malabathron) – và những mặt hàng từ các nơi khác của Ấn Độ, bao gồm các loại châu ngọc, vải lụa, và rễ cây kim ngân (aromatic root nard). “Những điều này là minh chứng cho mối quan hệ giao thương của vùng này với thung lũng Gangetic và khu vực đông Himalaya.”

Còn những con tàu đến từ La Mã cập cảng ở Muziris thì chứa đầy vàng, san hô, những đồ pha lê tinh xảo, vò rượu hai quai, dầu ô-liu, và nước mắm lên men được gọi là garum. Nhưng giá trị của việc buôn bán này không được phân chia đồng đều: De Romanis nói rằng ngài Pliny già4 đã ước tính sự thâm hụt hàng năm của La Mã gây ra bởi sự chênh lệch trong giao thương với Ấn Độ lên đến 50 triệu sesterces (tức 500.000 đồng tiền vàng, mỗi đồng nặng xấp xỉ tám gram), và “Muziris được chia phần lớn hơn rất nhiều.”

Việc giao thương trên biển giữa Muziris và La Mã bắt đầu từ thế kỉ thứ nhất TCN, khi người ta khám phá ra rằng nếu dong buồm ngang qua Biển Đỏ đến mũi đất Châu Phi, rồi đi về phía đông dọc theo vĩ tuyến 12, thì sẽ tới bờ biển Kerala. “Muziris hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ tiêu đen của các nước khác, đặc biệt là La Mã,” De Romanis nói. Bởi vậy nên vào thế kỷ thứ ba SCN khi nền kinh tế của đế chế La Mã bắt đầu trở nên khó khăn, ông tin rằng việc giao thương mặt hàng tiêu đen đã phải tự thay đổi, và Muziris mất đi vị thế quan trọng của mình.

Tiến sĩ PJ Cherian, giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Lịch sử Kerala, xác nhận rằng có rất ít tài liệu nhắc đến Muziris kể từ sau thế kỷ thứ năm SCN. Người ta nhìn chung đã mặc định rằng Muziris là cách gọi khác của cảng Kodungallur, một cảng biển đã ngừng hoạt động bởi các trận lũ vào năm 1341 – nhưng những cuộc khai quật ở đó không tìm ra được thứ gì có niên đại cổ hơn thế kỷ 13.

Thế nhưng, nếu đi thêm 11km đường bộ từ Kodungallur, bạn sẽ đến một ngôi làng có tên Pattanam. Trong nhiều năm, những đứa trẻ ở đây đã thu lượm các hột xoàn xuất hiện trên mặt nước trong mùa mưa. Sau cuộc đào bới đầu tiên vào năm 2004, những cuộc khai quật có hệ thống của Cherian và các cộng sự của ông bắt đầu vào năm 2007. Rất nhanh sau đó, ông nói, rõ ràng là họ đã khám phá ra một địa điểm khảo cổ lớn.

Sau chín mùa khai quật, họ đã tìm ra những vò rượu hai quai La Mã (lần đầu tiên trên bờ biển Kerala), một cấu trúc trông giống như cầu tàu, một con thuyền làm từ thân cây khoảng 2.000 năm tuổi, và những nền móng khác, như gạch và ngói, dụng cụ và các di vật làm bằng sắt, chì, và đồng, hột xoàn pha lê, đồ trang trí bằng vàng, và châu ngọc, mà rõ ràng là được dùng để xuất khẩu.

Vậy thì, Pattanam có phải chính là nơi mà bến cảng Muziris trong truyền thuyết từng tọa lạc? Chưa có đủ bằng chứng để kết luận, nhưng Cherian nghĩ rằng khả năng là rất lớn. Ông cũng mệt mỏi vì những câu hỏi về mối liên hệ với La Mã: “Khi họ tìm thấy một di tích La Mã ở Châu Âu, họ có bị ám ảnh tương tự về việc liệu nó đã từng có quan hệ giao thương với Ấn Độ?” Đối với ông, một phần quan trọng của cuộc khai quật là những gì nó tiết lộ về những người đã thực sự sống ở đây.

Tathagata Neogi, thuộc Học viện Khảo cổ Ấn Độ, giải thích về các giai đoạn định cư của con người ở Pattanam thông qua một bức ảnh lớn chụp mặt cắt của một đường hầm đã được khai quật. Con người bắt đầu sinh sống ở đây từ khoảng năm 1000 TCN, trong Thời đại Đồ Sắt với đặc trưng là những đồ gốm sứ đen và đỏ, trong khi khoảng thời gian giữa năm 500 và 300 TCN là một sự giao thoa.

“Chúng tôi nghĩ đây là thời điểm Pattanam bắt đầu chuyển đổi từ một ngôi làng nhỏ thành một trung tâm giao thương,” Neogi nói. Khoảng thời gian từ năm 300 TCN đến 500 SCN dày đặc những chứng cứ cho thấy sự giao thương ở cả bên trong và bên ngoài Ấn Độ. Những viên gạch và ngói nung, miệng giếng làm bằng đất nung, và các đồng xu là minh chứng cho một khu dân cư thịnh vượng. Một số lượng nhỏ các đồ gốm Tây Á vào đầu thời kỳ này là chứng cứ cho sự giao thương đường biển trước thời gian giao thương với La Mã. Sau năm 500 SCN thì các ghi chép trở nên ít dần – và cho đến năm 1500 SCN, niên đại của các đồ gốm Trung Quốc và Châu Âu được tìm thấy.

Pattanam có phải là một ‘đô thị’ không?

Ngày nay, Pattanam là một ngôi làng nằm cách bờ biển bốn kilomet. Ở đây có thảm thực vật đặc trưng của khu vực này: Những cây dừa cao lớn, các cây chuối (plaintain) tán ngắn và rộng, những cây thân bò và dây leo, những thảm cỏ gần như phát sáng trong mùa mưa. Có những ngôi nhà nằm rải rác, một ngôi đền, một văn phòng của làng, và những con kênh được xây dựng sơ sài.

Khu đất khảo cổ ở Pattanam rộng khoảng 70ha; phía bên trên là một bảo tàng trưng bày các hiện vật từ cuộc khai quật. Cherian nhận định rằng, thật lạ là mộtngôi làng nhỏ lại có tên là Pattanam, một từ ở miền Nam Ấn Độ có nghĩa là thị trấn chợ buôn hoặc cảng giao thương.

Một vài nhà sử học – như Rajan Gurkkal, tác giả cuốn Rethinking Classical Indo-Roman Trade (Tạm dịch: Bàn lại về sự giao thương cổ điển Ấn-La Mã – đã lập luận rằng Pattanam (mà ông tin chính địa điểm của Muziris) có lẽ chẳng là gì ngoài một thuộc địa của những thương lái người Địa Trung Hải, cộng với những nhà buôn trên đất liền và các thợ thủ công. Giả thuyết của Gurkkal được dựa trên sự vắng mặt của những cấu trúc lâu đời, và sự thiếu kết nối giữa những vật liệu và kĩ thuật ở Pattanam so với khu vực xung quanh. Ông gợi ý rằng thuộc địa này thậm chí có lẽ mang tính mùa vụ, chỉ có người ở khi tàu cập cảng để buôn bán.

Cuộc tranh luận này cuối cùng quay về một câu hỏi: phải thế nào mới được coi là một thành phố hay một đô thị. Theo Cherian, “Đô thị là một từ phức tạp – đối với tôi, nó có nghĩa là ‘có tổ chức,’ ‘được tính toán,’ ‘được quy hoạch.’” Và ông tìm thấy ở Pattanam những đặc điểm này: “Đây chắc chắn là một thành phố, nhưng chỉ trong thời đại của nó thôi.”

Cuộc khai quật đã tìm thấy những thứ trông giống như toilet, mương, và miệng giếng đất nung, và những thứ này – cùng với những nền móng xây đắp theo cùng một hướng – gợi ý sự tồn tại cuả một khu định cư có kế hoạch.

Cherian cũng nghĩ rằng mức độ thành tựu kĩ thuật ở đây – thể hiện qua chất lượng xi măng dùng trong cấu trúc cầu tàu; những hiện vật bằng kính và đá tinh xảo – và một khối lượng lớn những mảnh gốm (tính đến nay đã có khoảng 4,5 triệu cái được phát hiện) đều cho thấy một công cuộc định cư có tính chất thành thị. Những đồng xu địa phương là bằng chứng cho một nền kinh tế có tổ chức và một thể chế chính trị nhất định.

Những gì đã được khai quật chỉ chiếm chưa đến 1% khu di tích này. Chúng ta chỉ mới chạm đến phần ngọn của tảng băng thôi.

“Chúng ta giờ phải công nhận rằng những thành phố cổ đại có thể trông rất khác so với những thành phố bây giờ, kể cả nếu chúng cùng có những chức năng giống nhau trong giao thương và kinh tế,” theo Monica Smith, giáo sư ngành nhân chủng học tại UCLA, người đang nghiên cứu về xu hướng đô thị mới tại tiểu lục địa Ấn Độ.

“Những nhà khảo cổ học thế kỷ 20 như V Gordon Childe từng cảm thấy rằng, những công trình kiến trúc lớn là một điều kiện cần để định nghĩa một nơi là một ‘thành phố.’ Bên cạnh đó, thường có xu hướng cho rằng thành phố phải có mật độ dân số cao ở trung tâm, và dân số đó sẽ tập trung theo đuổi một mục đích tôn giáo hoặc hành chính nhất định, ví dụ như một cung điện hay đền đài.”

Nhưng Smith đưa ra một ví dụ về một ý tưởng thành phố theo kiểu trải rộng hơn: khu trại Kumbh Mela5 ở Ấn Độ, chỉ tồn tại trong khoảng thời gian của cuộc hành hương, được xây dựng rất có kế hoạch, có cơ sở hạ tầng đầy đủ, và mang một “không khí đô thị.” Bà bổ sung rằng: “Chúng ta có thể hình dung là những kiểu định cư tạm thời hay tuần tự kiểu này cũng có thể là bản chất của những thành phố cổ đại.”

Smith gợi ý rằng những nơi như vậy có thể phát triển về mặt kích cỡ rất nhanh, đặc biệt là khi nhu cầu cho một mặt hàng mới tăng cao (chẳng hạn như tiêu đen trong trường hợp của Pattanam). “Đây là lý do vì sao những nghiên cứu như ở Pattanam đặc biệt quan trọng. Nó có thể giúp chúng ta hiểu hơn về những thay đổi đa dạng theo thời gian, và đánh giá mức độ liên quan giữa sự đầu tư vào những công trình như cầu tàu hay giếng nước và sự tồn tại của một địa điểm ‘lõi,’ mà xung quanh đó khu vực ngoại ô phát triển.”

Tuy vậy, sẽ mất thêm thời gian để có một cái nhìn toàn diện hơn về Pattanam – và tính chất đô thị của nó. Theo Cherian thì: “Những gì đã được khai quật chỉ chiếm chưa đến 1% khu di tích này. Chúng ta chỉ mới chạm đến phần ngọn của tảng băng thôi.”

Cuộc tìm kiếm Muziris có thể đã chấm dứt hoặc chưa. Nhưng như De Romanis nói: “Pattanam là thứ gần nhất với Muziris mà chúng ta có cho đến giờ. Dù nó là gì đi chăng nữa, nó cũng nên được trân trọng và bảo tồn.”


  1. Muziris là một cảng biển cổ và trung tâm đô thị trên bờ biển Malabar, mà ngày nay thuộc bang Kerala của Ấn Độ. Các nghiên cứu cho rằng cảng biển này bắt đầu hoạt động ít nhất từ thế kỷ thứ nhất TCN. Đây là một điểm giao thương quan trọng trong thời cổ đại giữa miền Nam Ấn Độ và Phoenicia, Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, và La Mã. Thông tin chi tiết về Muziris có thể xem tại đây.

  2. Yavana, theo những văn bản khảo cổ phát hiện ở Ấn Độ, chỉ một cộng đồng người sống ở đây. Ban đầu từ này được dùng để chỉ những người Hy Lạp đến Ấn Độ sinh sống dưới thời Alexander Đại Đế, nhưng sau đó đã được dùng để chỉ người phương Tây nói chung, bao gồm người Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, và Ba Tư.

  3. Kerala là một bang miền Nam của Ấn Độ, nằm trên bờ biển Malabar.

  4. Tức Pliny the Elder, tên thật là Gaius Plinius Secundus (23 SCN – 79 SCN), là một tác gia, tự nhiên học, và triết học tự nhiên ở thời La Mã cổ đại. Ông nổi tiếng với tác phẩm bách khoa toàn thư Naturalis Historia (Natural History), mà đã trở thành hình mẫu cho các cuốn bách khoa toàn thư được phát triển về sau.

  5. Kumbh Mela là một cuộc hành hương lớn của những người theo đạo Hindu, diễn ra 12 năm một lần. Trong cuộc hành hương này, những người Hindu sẽ tắm trong những dòng sông thánh, với niềm tin là việc tắm sông sẽ giúp gột rửa những tội lỗi của họ. Kumbh Mela lần lượt ở những nơi sau: Sông Hằng ở thành phố Haridwar, điểm giao nhau của sông Hằng, sông Yamuna, và sông Sarasvati ở Allahabad, sông Godavari ở Nashik, và sông Shipra ở Ujjain, Ấn Độ.

One thought on “Muziris: Có phải tiêu đen đã gây ra sự diệt vong của cảng biển cổ Ấn Độ?

Leave a Reply to thai Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất