a
§ Tác giả: Jerome Groopman | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Việt Anh | Hiệu đính:  Ngọc Anh Cao
27/02/2017

“Lại nói chuyện với hộp sữa chua rồi,” Pam, vợ tôi, nói. “Nó nói cái gì vậy?”

Cô ấy bắt gặp tôi âm thầm độc thoại tại bữa sáng. Trong đầu tôi lúc đó là cuộc đối thoại với một cộng sự, người đã hỏi liệu chúng tôi có đủ dữ liệu để tiến tới công bố công trình. Liệu những thí nghiệm trong biểu đồ thứ hai cần phải được lặp lại? Các kết quả đã quá rõ ràng rồi, tôi trả lời. Nhưng sau khi suy xét lại, tôi đồng ý rằng việc lặp lại có thể khiến các số liệu trở nên thuyết phục hơn.

Tôi thường xuyên thảo luận với chính mình – vừa nói vừa nghiêng đầu, nhướn lông mày, mím môi – không chỉ về công việc. Tôi trò chuyện với bạn bè và các thành viên trong gia đình, tự chọc cười bản thân, hay hồi tưởng lại những cuộc nói chuyện trong quá khứ. Tôi chưa từng hỏi vì sao tôi lại độc thoại, và tôi cũng chưa từng nhắc đến chuyện đó với ai khác ngoài Pam. Vợ tôi rất ít khi độc thoại; chỉ khi cô ấy tự nhắc mình phải làm một việc gì đó, chẳng hạn như đổi mật khẩu email. Cô ấy chủ động chuyển lời nhắc thành một khẩu lệnh, nói thật to, “Nhớ đấy, phải đổi mật khẩu trong hôm nay.”

Việc thuật lại thành lời các thông tin – nhẩm đọc danh sách mua đồ khi bạn đi qua các gian hàng trong siêu thị – là một phần của hệ thống trí nhớ tạm thời của chúng ta. Nhưng đối với một số người thì việc độc thoại còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế: nó là một phần thiết yếu trong cách tư duy của chúng ta. Số khác lại trải nghiệm ảo giác thính giác, những giọng nói thúc giục không phải của họ mà là từ người thân của họ, những người cố vấn cũ, những người có sức ảnh hưởng mà họ không thể nhận ra, lương tâm của họ, hay thậm chí là Chúa Trời.

Charles Fernyhough1, một giáo sư tâm lý học người Anh tại Đại học Durham (Anh Quốc), hiện đang nghiên cứu “tiếng nói bên trong” đó. Trong phần mở đầu của cuốn “The Voices Within” (Basic) (Tạm dịch: Những giọng nói từ bên trong (quyển Cơ bản)), ông cũng tự cho mình là một kẻ độc thoại lắm lời, và liên hệ đến tình huống khi ông đang ở trong một con tàu chật cứng người của hệ thống tàu điện ngầm London thì chợt nhận ra ông vừa mới bật cười thành tiếng bởi một câu nói vô nghĩa xuất hiện trong tâm trí. Cuộc sống của ông trôi qua với vô vàn giọng nói: “Những ‘giọng nói’ trong tôi thường có ngữ điệu và cao độ; chúng xuất hiện một cách riêng tư và chỉ có mình tôi nghe được, thế mà chúng đều nghe như người thật.”

Fernyhough đã thực hiện nghiên cứu của ông dựa trên một phỏng đoán rằng việc độc thoại và nghe thấy các giọng nói – những hiện tượng mà ông cho rằng có liên quan đến nhau – không đơn giản là những tính cách hay hành động kì lạ, mà chúng có một chức năng sâu xa hơn thế. Cuốn sách của ông được viết theo phong cách trò chuyện thân mật và không đưa ra một kết luận cụ thể về chủ đề này, trong đó có đề cập đến vai trò của lời nói nội tâm đến trí nhớ, phong độ thể thao, sự mặc khải tôn giáo, tâm lý liệu pháp và văn chương hư cấu. Ông thậm chí còn đặt ra một khái niệm mới, “tư duy kiểu hội thoại,” để diễn tả niềm tin của ông rằng suy nghĩ cũng có thể được coi là “một giọng nói, hay những giọng nói, đến từ trong tâm trí.”

*****

Bàn về những công trình thí nghiệm liên quan đến việc nghe thấy giọng nói, Fernyhough mô tả một phương pháp được phát minh bởi Russell Hurlburt, một nhà tâm lý học thuộc Đại học Nevada, Las Vegas. Một chủ thể đeo một chiếc tai nghe và một thiết bị phát ra tiếng bíp sẽ kêu tại những thời điểm ngẫu nhiên. Ngay khi nghe thấy tiếng bíp, chủ thể sẽ ghi lại những gì diễn ra trong tâm trí của anh ta/cô ta vào lúc đó. Trong nhiều nghiên cứu, những người tham gia đã ghi nhận một loạt các cảm giác: nhiều người đã trải nghiệm “tiếng nói nội tâm,” mặc dù Fernyhough không nêu rõ số người này có tỉ lệ bao nhiêu. Đối với một vài người, trải nghiệm của họ là một cuộc hội thoại qua lại đầy đủ, còn với những người khác nó lại là một bản thảo cô đọng của các cụm từ ngắn hay các từ khoá. Kết quả của một nghiên cứu khác ước tính rằng, bình quân khoảng 20 đến 25 phần trăm thời gian thức trong ngày được dành ra để tự thoại. Tuy vậy, một số người chưa từng trải qua việc độc thoại nội tâm.

Khi làm việc tại Durham, Fernyhough đã tham gia vào một thí nghiệm mà ở đó ông có cuộc trò chuyện nội tâm với một giáo viên cũ trong khi não bộ của ông được quét bởi công nghệ fMRI (cộng hưởng từ chức năng)2. Một cách tự nhiên, hình ảnh quét đã cho thấy hoạt động của các phân vùng thuộc bán cầu não trái có liên quan đến ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong số các vùng não cũng được kích hoạt khác, có một số vùng liên quan đến việc tương tác với những người xung quanh. Fernyhough kết luận rằng “hiện tượng độc thoại nội tâm do đó phải liên quan đến một khả năng nào đó giúp biểu đạt lại các suy nghĩ, cảm xúc, và thái độ của những người xung quanh chúng ta.” Điều này đặt ra một khả năng kì thú rằng, khi chúng ta nói chuyện với bản thân, một kiểu phân tách nào đó sẽ diễn ra, và ở một góc độ nào đó chúng ta trở thành nhiều con người khác nhau: nó không còn là độc thoại nữa mà là một cuộc đối thoại thực sự.

Khi Fernyhough bắt đầu sự nghiệp, những người cố vấn của ông vẫn khuyên rằng việc nghiên cứu hiện tượng độc thoại nội tâm sẽ chẳng mang lại kết quả gì. Tâm lý học thực nghiệm tập trung vào những thứ có thể được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và có thể đưa ra những kết quả rõ ràng, tái hiện được. Các đánh giá của chúng ta về những gì diễn ra trong đầu chúng ta còn quá chủ quan để có thể định lượng, và các nhà tâm lý học thực nghiệm thường né tránh mảng nghiên cứu này.

Những cách tiếp cận của Fernyhough phần nào giúp vượt qua trở ngại này, mặc dù các kết quả của chúng chưa thể mang tính kết luận. Việc được yêu cầu triển khai một cuộc hội thoại nội tâm bên trong máy quét fMRI không giống với việc tự dưng tranh luận với bản thân trong gian bếp. Hơn nữa, với việc những chủ thể trong thí nghiệm với chiếc máy phát tiếng bíp chỉ có thể diễn tả lại trải nghiệm của họ bằng từ ngữ, sẽ không ngạc nhiên khi họ gán bản chất của ngôn ngữ cho suy nghĩ của họ. Fernyhough hiểu rõ vấn đề này; trong một bài viết được xuất bản năm ngoái trên Psychological Bulletin (Tạm dịch: Tập san Tâm lý học)3, ông chỉ ra rằng quá trình quá trình phỏng vấn có thể “định hình và thay đổi các trải nghiệm được ghi nhận bởi các chủ thể.”

Quan trọng hơn, không thí nghiệm nào trong số hai thí nghiệm có thể hé lộ được gì hơn ngoài một bản hiện tượng luận thô sơ cho hiện tượng độc thoại nội tâm – phần nào về nơi nào trong bộ não mà hiện tượng này xảy ra và cách thức nó có thể hoạt động. Các thí nghiệm không cho chúng ta biết bản chất của nó. Sự thật khó chấp nhận này đưa ta quay trở lại với William James, người đã từng kết luận rằng việc “phân tích nội quan” như vậy giống như đang “cố gắng bật lửa lên thật nhanh để có thể thấy được bóng tối trông như thế nào.”

Mặc dù vậy, Fernyhough đã vẽ nên một bức tranh thú vị về hiện tượng độc thoại nội tâm và các chức năng của nó. Nó thực sự có vẻ có vai trò quan trọng với trí nhớ, và không đơn thuần chỉ là việc nhẩm lại các danh sách mà vợ tôi và nhiều người khác dùng. Đôi khi tôi hồi tưởng lại những cuộc nói chuyện ngày còn thơ ấu với người cha đã mất từ lâu của mình. Tôi tưởng tượng ra giọng nói của ông và trả lời, gìn giữ sự tồn tại của ông trong cuộc sống của tôi. Tiếng nói nội tâm có thể tham gia vào việc phân định đúng sai bằng cách xây dựng các luận điểm – phản luận điểm trong tư duy của chúng ta. Fernyhough viết rằng những đoạn hội thoại nội tâm phức tạp nhất diễn ra khi ông đang đối mặt với một vấn đề đạo đức.

Điều này đặt ra một khả năng kì thú rằng, khi chúng ta nói chuyện với bản thân, một kiểu phân tách nào đó sẽ diễn ra, và ở một góc độ nào đó chúng ta trở thành nhiều con người khác nhau: nó không còn là độc thoại nữa mà là một cuộc đối thoại thực sự.

Tiếng nói nội tâm cũng có thể hoạt động như một cơ chế phòng vệ. Những cảm xúc tiêu cực có thể được vượt qua dễ dàng hơn khi chúng được chuyển thành ngôn từ khi chúng ta tự thoại. Trong trường hợp của những người nghe thấy những giọng nói xa lạ, Fernyhough liên hệ hiện tượng này với những cú sốc tinh thần trong quá khứ; những người phải trải qua các sự kiện tang thương trong cuộc sống thường mô tả bản thân họ như bị “phân tách” trong các giai đoạn. “Khả năng tự phân chia thành các phần riêng biệt là một trong những cơ chế phòng vệ mạnh nhất của ý thức,” ông viết. Xét từ việc nghiên cứu của ông với máy quét fMRI đã chỉ ra rằng một kiểu phân tách nào đó đã xảy ra trong thời gian độc thoại, ý tưởng về một mối liên kết giữa hai quá trình tâm thần này không có vẻ bất hợp lý. Thật vậy, một phương pháp chủ đạo trong trị liệu hành vi nhận thức bao gồm việc chủ động diễn đạt những suy nghĩ với chính bản thân để loại bỏ những thói quen độc hại của tâm trí. Có những bằng chứng khoa học xác đáng chứng tỏ giá trị của phương pháp này trong việc xử lý chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (O.C.D.)4, các nỗi sợ, và các rối loạn lo âu khác.

Trị liệu hành vi nhận thức cũng khai thác sự hữu hiệu của việc diễn đạt thành lời những suy nghĩ tích cực. Nhiều vận động viên tự thoại với bản thân như một cách để nâng cao thành tích thi đấu; Andy Murray tự la mắng chính mình trong các trận đấu tennis. Những lợi ích tiềm năng của phương pháp này đã có một vài kiểm chứng thực nghiệm. Vào năm 2008, các nhà nghiên cứu Hy Lạp đã sắp xếp ngẫu nhiên các vận động viên tennis vào một trong hai nhóm. Nhóm thứ nhất được dạy cách độc thoại mang tính khích lệ và chỉ dẫn (ví dụ, “Tiến lên,” “Mình có thể mà,” “Thấp vai xuống đi”). Nhóm thứ hai tham dự một bài giảng chiến thuật về các đòn tấn công cụ thể. Nhóm được hướng dẫn độc thoại có kết quả thi đấu tốt hơn cùng với việc gia tăng tự tin và giảm lo âu, trong khi nhóm còn lại không thể hiện cải thiện nào đáng kể.

*****

Đôi khi những giọng nói mà người ta nghe thấy không đến từ chính họ, mà được cho là từ một nguồn thần bí. Giọng nói của Chúa được nhắc đến rất nổi bật trong phần đầu của Kinh thánh Do Thái. Ngài nói chuyện với Adam, Eve, Cain, Noah, và Abraham, từng người một. Trên núi Sinai, theo bình luận trong Kinh thánh Do Thái, giọng nói của Chúa đã được nghe thấy bởi cả cộng đồng, nhưng vì nó quá choáng ngợp nên chỉ chữ cái đầu, aleph (thuộc bảng chữ cái Do Thái), được phát thành âm. Nhưng trong các cuốn sách tiên tri về sau, giọng nói của thánh thần trở nên mờ nhạt hơn. Tại đỉnh Horeb, Elijah được Chúa Trời gọi (sau một cơn gió lốc, một đám cháy và một trận động đất) bằng thứ giọng mà Kinh thánh Vua James miêu tả là “một giọng nói trầm tĩnh,” và giọng nói ấy, trong Kinh thánh Do Thái gốc (kol demamah dakah) còn mang tính gợi mở hơn – từ mà họ đã dùng là “âm thanh của sự im lặng mỏng manh.” Đến cuốn Kinh về Esther, giọng nói của Chúa Trời không còn xuất hiện nữa.

Tuy nhiên, theo Thiên Chúa Giáo, giọng nói của thánh thần tiếp tục xuất hiện trong các quyển kinh Tân ước (sách Phúc Âm/Tin lành) – tông đồ Paul đã cải đạo sau khi nghe lời khuyên răn của Chúa. Đặc biệt là trong các truyền thống thuộc kinh Phúc Âm, điều này vẫn còn tồn tại. Martin Luther King đệ Nhị đã thuật lại một trải nghiệm như vậy trong những ngày đầu của phong trào tẩy chay xe buýt ở Montgomery vào năm 19565. Sau khi nhận được một cuộc gọi đe dọa nặc danh, ông đã tuyệt vọng bước vào bếp và bắt đầu cầu nguyện. Ông dần nhận ra “sự trấn an thầm lặng của một giọng nói từ bên trong” và “nghe thấy lời dặn của Chúa Jesus rằng hãy tiếp tục đấu tranh.”

Fernyhough liên hệ tới một vài ví dụ kì thú về những cuộc đối thoại với Chúa Trời và các thế lực siêu phàm khác xảy ra ở thời Trung Cổ. Tại Pháp vào thế kỉ XV, Joan xứ Arc6 thừa nhận đã nghe thấy các thiên thần và các vị thánh dặn bà phải lãnh đạo Quân đội Pháp giải phóng đất nước khỏi sự xâm lược của Anh. Một ví dụ gần gũi hơn là trường hợp của người thần bí nổi tiếng Margery Kempe, một phụ nữ Anh giàu có sống cùng với chồng và gia đình, người vào đầu thế kỉ XV đã thuật lại rằng Chúa Jesus đã nói chuyện với bà từ rất gần với chất giọng “ngọt ngào và êm ái.” Trong cuốn “The Book of Margery Kempe” (Tạm dịch: Câu chuyện của Margery Kempe) do chính bà kể lại, cuốn sách thường được coi là cuốn tự truyện đầu tiên bằng tiếng Anh, bà thuật lại việc làm thế nào mà một chuỗi khủng hoảng trong gia đình, bao gồm một giai đoạn mà bà mô tả là điên loạn, đã dẫn lối bà bắt đầu một cuộc sống hành hương, độc thân và tuyệt thực cực độ. Giọng nói của Chúa Jesus đã cho bà lời khuyên khi thương lượng với người chồng tuyệt vọng và lo âu của bà. (Bà đồng ý tiếp tục việc ăn uống; người chồng đồng ý việc sống trinh trắng của bà.) Fernyhough viết với trí tưởng tượng dồi dào về những sắc thái đa dạng của giọng nói mà bà đã nghe được. “Một thứ âm thanh bà nghe thấy sẽ giống như một cặp ống bễ thổi vào tai: đó là tiếng thì thầm của Thánh Thần. Theo ý Ngài lựa chọn, Ngài sẽ thay đổi âm thanh ấy thành tiếng hót của một chú bồ câu, sau đó là một chú chim cổ đỏ, kêu thánh thót vui tươi bên tai bà.”

40 năm trước, Julian Jaynes, một nhà tâm lý học tại Đại học Princeton, đã xuất bản một cuốn sách mang tính bước ngoặt có tên “The Origin of Consciousness in the Breakdown of the Bicameral Mind” (Tạm dịch: “Nguồn gốc của ý thức trong cấu trúc của tâm trí lưỡng ngăn”), mà trong đó ông đã đưa ra một cơ sở sinh học cho việc nghe thấy các giọng nói của thánh thần. Ông lập luận rằng hàng nghìn năm về trước, tại thời điểm mà tập thơ Iliad được viết, não bộ của chúng ta đã mang hình thái “lưỡng ngăn,” tức là gồm có hai ngăn riêng biệt. Theo đó, bán cầu não trái bao gồm những phân vùng ngôn ngữ giống như ngày nay, nhưng bán cầu não phải tham gia vào một chức năng đặc biệt, triển khai các cấu trúc kiến tạo ngôn ngữ có khả năng “cất tiếng nói” mỗi khi bị căng thẳng. Người ta cho rằng những giọng nói của bán cầu não phải đến từ bên ngoài và quy cho là từ các vị thần. Jaynes tin rằng, trong không khí hỗn loạn của cuộc tấn công thành Troy, Achilles hẳn đã nghe thấy tiếng nói đến từ bán cầu não phải và cho rằng nó đến từ đỉnh Olympus:

Những nhân vật trong thơ Iliad không ngồi xuống và nghĩ xem họ phải làm gì. Họ không có ý thức chủ quan như chúng ta cho rằng mình có, và chắc chắn không có sự phân tích nội quan. Khi vị vua của con người Agamemnon cướp khỏi tay Achilles người đàn bà của anh, một vị thần đã nắm lấy bộ tóc vàng óng của Achilles và cảnh báo anh không được tất công Agamemnon. Một vị thần đã hiện hình trên những dòng biển bạc và an ủi chàng khi nước mắt phẫn nộ của người hùng còn thấm đẫm trên bờ biển cùng những con tàu chiến màu đen…. Một vị thần đã buộc Achilles phải hứa sẽ không tham chiến, một vị thần khác lại thúc giục chàng dấn thân, và một vị thần khác nữa đã bao bọc chàng bằng một ngọn lửa vàng cháy rực đến tận thiên đàng và cất tiếng thét từ cuống họng của người hùng xuyên suốt chiến hào đẫm máu ở phía quân Trojans, đẩy kẻ địch vào cơn hoảng loạn không thể kiểm soát. Thực tế là, ý thức đã bị thay thế bởi các vị thần.

Jaynes tin rằng sự phát triển của các dây thần kinh liên kết hai bán cầu não dần dần hợp nhất chức năng của não bộ. Dựa theo một lý thuyết về Homer7 mà trong đó nhận định rằng tập thơ Odyssey phải được viết muộn hơn ít nhất một thế kỉ sau tập thơ Iliad, ông đã chỉ ra rằng Odysseus, một con người luôn suy nghĩ và tính toán, đã biểu lộ sự tự ý thức về mặt tâm trí. Sự nhấn mạnh vào tính khôn ranh của Odysseus trong bài thơ có vẻ giống như một màn chào mừng cho sự xuất hiện của một loại ý thức mới. Đối với Jaynes, việc nghe thấy giọng nói của Chúa Trời là vết tích còn lại của cấu trúc hệ thần kinh trong quá khứ.

*****

Cuốn sách của Jaynes đã có sức ảnh hưởng lớn trong thời đại của ông, đóng vai trò là một trong những công trình của chuyên gia có tư tưởng thâm nhập sâu rộng vào nền văn hoá. (Sự lưỡng ngăn là một nút thắt quan trọng trong sê-ri phim “Westworld” trên HBO: Dolores, một người máy có hình dáng như người được thủ vai bởi Evan Rachel Wood, nhận ra rằng giọng nói mà cô nghe thấy, thứ vẫn thúc giục cô phải giết các người máy (vật chủ) khác tại công viên, đến từ trong đầu cô.) Nhưng lý thuyết của Jaynes không đủ mạnh để đánh bật những gì chúng ta đang biết về sự phát triển của loài người. Trong lịch sử tiến hoá, vài nghìn năm giữa chúng ta và Achilles chỉ như một cái chớp mắt, một khoảng thời gian quá ngắn để những thay đổi căn bản về mặt cấu trúc não bộ có thể xảy ra. Các nhà thần kinh học hiện đại đã đưa ra những lý giải thay thế cho việc nghe thấy lời nói thần bí. Một số dự đoán rằng hiện tượng này bắt nguồn từ động kinh thuỳ não thái dương, số khác thì cho rằng nguyên căn là chứng tâm thần phân liệt; các ảo giác thính giác đều phổ biến ở hai bệnh lý này. Chúng cũng là một đặc điểm của các chứng bệnh thoái hoá hệ thần kinh. Một người họ hàng của tôi bị mắc chứng Alzheimer gần đây đã kể với tôi rằng Chúa đã nói chuyện với bà. “Bà có thực sự nghe thấy giọng của Người không?” Tôi hỏi. Bà nói rằng đúng thế, và bà biết chắc đó là Chúa vì Ngài đã nói như vậy.

Đáng nói là Fernyhough không muốn coi những giọng nói đó là ảo giác. Ông cho rằng thuật ngữ này (ảo giác) mang tính tiêu cực, và đặc biệt hoài nghi về giá trị của việc phân tích tâm thần trong các trường hợp nghe thấy giọng nói:

Việc cố gắng chẩn đoán các nhà thần bí nước Anh từ những câu chuyện cổ (hay những người khác như Joan xứ Arc) cũng chẳng có ý nghĩa hơn việc gọi Socrates là một kẻ tâm thần phân liệt…. Nếu như Joan không bị tâm thần phân liệt, thì hẳn bà đã mắc chứng “động kinh một phần tự phát với các vấn đề thính giác.” Những tiếng khóc và tiếng thét bộc phát của Margery, cùng với việc nghe thấy các giọng nói của bà, cũng có thể là dấu hiệu của động kinh thuỳ não thái dương. Những chấm trắng bay trước mắt bà (và được bà cho là hình ảnh của các thiên thần) có thể là các triệu chứng của bệnh đau nửa đầu. Học giả về văn học trung cổ Corinne Saunders chỉ ra rằng những trải nghiệm của Margery rất kì lạ vào thời đó (tức đầu thế kỉ XV), và thậm chí còn kì lạ hơn vào thời nay, khi chúng ta đã cách quá xa cơ sở lý giải những trải nghiệm của Margery. Sự kì lạ đó không khiến chúng giống những dấu hiệu của bệnh thần kinh hơn cái cách mà các trải nghiệm tương tự thời nay ngay lập tức bị coi là triệu chứng bệnh lý.

Với việc không mong muốn vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa những cảm nhận thông thường và ảo giác, Fernyhough theo đuổi những tư tưởng được truyền bá bởi một loạt các nhóm mới nổi lên từ 3 thập kỷ trước có tên là Hearing Voices Movement (Tạm dịch: Phong trào Nghe thấy giọng nói lạ). Vào năm 1987, Marius Romme, một chuyên gia tâm thần học người Hà Lan, đang điều trị một bệnh nhân có tên Patsy Hage, người đã nghe thấy những giọng nói hiểm ác. Theo chẩn đoán ban đầu của Romme, những giọng nói ấy là triệu chứng của một chứng bệnh y sinh. Tuy nhiên Hage vẫn khăng khăng rằng việc nghe thấy giọng nói của cô là một trạng thái bình thường của quá trình suy nghĩ. Không phải tình cờ mà cô cũng biết đến công trình nghiên cứu của Julian Jaynes. “Tôi không bị tâm thần phân liệt,” cô nói với Romme. “Tôi là một người Hy Lạp cổ đại!”

Romme dần trở nên thương cảm với quan điểm của cô, và quyết định rằng việc đánh giá nghiêm túc nội dung của những giọng nói mà các bệnh nhân nghe thấy là cần thiết. Hai người bắt đầu công khai thông tin về tình trạng của cô, tìm kiếm liên lạc với những người có tình trạng tương tự. Phong trào này đã phát triển từ đó. Hiện nay nó đã có mạng lưới ở 24 quốc gia, với hơn 180 nhóm chỉ tính riêng ở Anh, và số lượng thành viên đang gia tăng ở Mỹ. Phong trào tổ chức các buổi gặp mặt và hội thảo mà ở đó những người nghe thấy các giọng nói lạ có thể thảo luận về các trải nghiệm của mình, và tổ chức ra các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiện tượng này.

Các thành viên của phong trào này phủ nhận quan điểm cho rằng việc nghe thấy các giọng nói lạ là một dấu hiệu của bệnh tâm thần. Họ mong muốn hiện tượng này được coi như một biến thể bình thường trong bản chất con người. Những phản bác của họ một phần là về ai có quyền kiểm soát sự diễn giải về những trải nghiệm này. Fernyhough trích lời của một người ủng hộ, “Đây là phong trào về sức mạnh, và về ai có kiến thức chuyên môn và quyền kiểm soát.” Người ủng hộ này mô tả việc trị liệu hành vi nhận thức giống như “một chuyên gia tác động đến” một bệnh nhân, trong khi cách tiếp cận của phong trào lại phá vỡ trật tự đó. Cô nói, “Những người đã từng trải qua việc nghe thấy các giọng nói có rất nhiều điều để nói về nó, họ biết rất nhiều về cảm giác của trải nghiệm ấy, về việc sống chung và đối phó với nó.” “Nếu chúng ta muốn tìm hiểu chút gì về các siêu trải nghiệm của con người, chúng ta phải lắng nghe những người đã thực sự trải nghiệm chúng.”

Giống như những phong trào đang cố gắng chống đối tầm ảnh hưởng của các loại chẩn đoán tâm thần, Hearing Voices Movement cũng gây nhiều tranh cãi. Những người chỉ trích chỉ ra rằng, mặc dù việc bình thường hoá hiện tượng nghe thấy giọng nói có thể tạo ra cảm giác tự do (cởi mở) đối với một số người, nó vấp phải một rủi ro rằng những người có các bệnh tâm thần nghiêm trọng sẽ không được quan tâm chăm sóc đúng mức. Fernyhough không quan tâm lắm đến những lời chỉ trích đó, mặc dù ở trong một ghi chú ông có thừa nhận sự thiếu hụt của cơ sở bằng chứng trong các tuyên bố của phong trào. Ông nhắc đến một nhà tâm lý học trị liệu đồng cảm với Hearing Voices Movement, người đã nói rằng, đối lập với những bằng chứng thực nghiệm phong phú về hiệu quả của trị liệu hành vi nhận thức, “bản chất nội quan của các nhóm người nghe thấy giọng nói” đã tạo ra rào cản cho việc tiến hành các thí nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên.

*****

Fernyhough không chỉ là một nhà tâm lý học; ông còn viết truyện hư cấu, và khi miêu tả công việc này, ông nhấn mạnh vai trò của việc nghe thấy các giọng nói. “Tôi không bao giờ nhầm lẫn giữa những nhân vật hư cấu này với người thật, nhưng tôi có nghe thấy tiếng họ nói,” ông viết trong cuốn “The Voices Within.” “Tôi phải nhớ đúng giọng của họ – ghi chép lại thật chính xác – nếu không họ sẽ không giống thật đối với những người đọc các câu chuyện của họ.” Ông chú thích rằng cách thức lối viết này rất phổ biến trong giới tiểu thuyết gia, và ông nêu một số ví dụ như Charles Dickens, Joseph Conrad, Virginia Woolf, hay Hilary Mantel.

Fernyhough và các cộng sự đã cố gắng định lượng hoá hiện tượng này. 91 tác giả tham dự Lễ hội sách Quốc tế tại Edinburgh năm 2014 đã trả lời một bảng hỏi; trong đó 70% số người trả lời rằng họ có nghe thấy các nhân vật nói chuyện. Nhiều tác giả đã liên kết tiếng nói của các nhân vật với các đoạn hội thoại nội tâm ngay cả khi họ ngưng viết. Về cốt truyện, một số tác giả đã khẳng định rằng các nhân vật của họ “không đồng ý với tôi, đôi khi yêu cầu tôi thay đổi các chi tiết trong diễn biến truyện của bất cứ thứ gì tôi đang viết.”

“Nếu chúng ta muốn tìm hiểu chút gì về các siêu trải nghiệm của con người, chúng ta phải lắng nghe những người đã thực sự trải nghiệm chúng.”

Tầm quan trọng của việc nghe thấy giọng nói đối với nhiều người viết dường như sẽ xác nhận tính xác đáng trong cách tiếp cận của Hearing Voices Movement. Nếu kết quả là những áng văn vĩ đại thì sẽ thật ngoan cố khi cho rằng hiện tượng nghe thấy các giọng nói là một một điều dị thường cần được điều trị thay vì là một khả năng thiên bẩm quý giá. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Theo Fernyhough, “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một sự phổ biến đặc biệt về rối loạn tâm thần (đặc biệt là rối loạn cảm xúc) xuất hiện ở những người hoạt động sáng tạo.” Kể cả khi đã bỏ qua thực tế rằng hầu hết những người mắc rối loạn cảm xúc không phải là các thiên tài sáng tạo, nhiều tác giả vẫn cảm thấy rằng tài năng sáng tạo của họ gây ra phiền toái về mặt tâm lý, thậm chí còn đề cao quan điểm rằng họ ở một góc độ nào đó là những người không bình thường. Tiểu thuyết gia Jeanette Winterson kể rằng những giọng nói mà bà nghe thấy đã đặt bà vào “loại khùng điên,” và mô típ này có một lịch sử dài: “nhà thơ điên” của Plato, “thiên tài u sầu” của Aristotle, và lời bình của John Dryden rằng “thông thái cũng chẳng khác gì điên dại.” Nhưng, trong những trường hợp mà tài năng đi liền với sự bất ổn thực sự về tâm lý, liệu những lợi ích trên khía cạnh sáng tạo có quan trọng hơn những phương hại đến cá nhân đó?

*****

Trong một đêm giá rét tháng Một năm 1977, khi còn đang làm việc với tư cách một bác sĩ nội trú tại Bệnh viên Đa khoa Massachusetts, tôi được điều đến phòng cấp cứu. Một bệnh nhân vừa nhập viện bằng xe cứu thương từ Bệnh viện McLean, một bệnh viện tâm thần nổi tiếng gần Belmont. Đó là nhà thơ Robert Lowell, người đang được ngồi thẳng đứng và gắng sức để thở. Tôi tự giới thiệu bản thân và kiểm tra thể chất cho ông. Lowell đang ở trong tình trạng suy tim sung huyết, phổi của ông chứa đầy chất dịch. Tôi chỉ định thuốc lợi tiểu và trang bị một ống oxy vào lỗ mũi của ông. Không lâu sau ông đã hít thở thoải mái. Trông ông rất ủ rũ, và để làm ông sao lãng khỏi tình huống khó xử này, tôi hỏi về tấm huy chương ông đeo trước ngực. “Achilles,” ông trả lời, với một nụ cười thoáng qua.

Tôi không rõ liệu Lowell có biết đến cuốn sách của Jaynes đã được xuất bản từ năm trước hay không, nhưng Achilles là hình mẫu quan trọng theo suốt cuộc đời ông, một trong nhiều hình tượng lịch sử và thần thoại – Alexander Đại đế, Dante, T. S. Eliot, Christ – [những người] mà ông cùng nhận ra sự tương đồng trong những khoảnh khắc ảo tưởng về sự vĩ đại. Tố chất đặc trưng của Achilles – thể hiện trong từ đầu tiên trong tập Iliad – chính là mēnin, vẫn thường được dịch là “sự phẫn nộ” hay “cơn thịnh nộ.” Nhưng trong cuốn sách sắp được xuất bản, “Robert Lowell, Setting the River on Fire: A Study of Genius, Mania, and Character” (Tạm dịch: Robert Lowell, Châm lửa cho dòng sông: Nghiên cứu về Thiên tài, Hưng cảm, và Tính cách), giáo sư tâm thần học Kay Redfield Jamison chỉ ra rằng bản dịch của Lowell đã định nghĩa mēnin là “sự hưng cảm.” Kết quả là, trạng thái hưng phấn cao độ chính là tình trạng bệnh dai dẳng nhất của Lowell trong suốt nhiều năm là một bệnh nhân tâm thần.

Khi thuật lại quá trình nằm viện của Lowell, Jamison có trích dẫn các ghi chú trong hồ sơ của tôi và của bác sĩ tim mạch của Lowell tại Phillips House, một đơn vị trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nơi chăm sóc những bệnh nhân thuộc tầng lớp Boston Brahmin giàu có. Lowell đã từng sáng tác một bài thơ khi còn nội trú có tên “Phillips House Revisited” (Tạm dịch: Lại thăm Phillips House), trong đó ông che đi những ấn tượng về cơn khủng hoảng sức khỏe mà tôi đã được chứng kiến (“Tôi hoàn toàn không thể thở được, / cứ như thể tôi bị bóp nghẹt trong tuyết”) bằng các kí ức về người ông của mình, người mà 40 năm trước cũng đã qua đời ở bệnh viện này.

Nhưng, trong những trường hợp mà tài năng đi liền với sự bất ổn thực sự về tâm lý, liệu những lợi ích trên khía cạnh sáng tạo có quan trọng hơn những phương hại đến cá nhân đó?

Gia đình nhà Lowell đã có một tiền sử dài về bệnh tâm thần. Jamison tìm lại hồ sơ bệnh án của người bà cố của ông, người đã từng nhập viện tại McLean năm 1845, và là người mà theo các bác sĩ ghi lại đã “khốn khổ vì ảo giác âm thanh.” Lowell cũng gặp phải ảo giác thính giác. Đôi lúc, trước khi chìm vào giấc ngủ, ông nói chuyện với các người hùng trong cuốn “Greek Myths” (Tạm dịch: Thần thoại Hy Lạp) của Hawthorne. Trong thời gian nhập viện vào năm 1954, ông thường trò chuyện với Ezra Pound, một người bạn của ông mà thực ra không có mặt ở đó. Với những người cùng thời, việc nhắc đến sự bất ổn tâm thần của Lowell không thể tách rời khỏi sự thán phục tài năng của ông. Sự đan cài giữa điên loạn và thiên tài là một phần không thể thiếu trong huyền thoại về ông sau khi ông qua đời, và chính Lowell cũng nhận ra chúng có liên quan đến nhau. Jamison trích dẫn một báo cáo bởi một bác sĩ của nhà thơ:

Sự liên kết giữa cảm xúc mãnh liệt với giai đoạn hưng cảm của bệnh nhân được biểu hiện rất rõ ràng. Bên cạnh những cảm nhận về tình trạng cơ thể vào lúc đó, bệnh nhân còn cảm thấy “các giác quan của tôi trở nên nhạy bén hơn bao giờ hết, và đó là những gì mà một người viết cần có.”

Nhưng Jamison cũng cho thấy Lowell đôi khi nhìn những chu kì hưng cảm dưới lăng kính lý tính hơn của y học. Sau một thời gian mặc khải tôn giáo khắc nghiệt, ông viết, “Những trải nghiệm kì bí và các cơn bộc phát hoá ra lại là bệnh tật.” Sau khi phân tích sự khác biệt, Jamison chỉ ra rằng sự hưng cảm và trí tưởng tượng của nhà thơ đã được hợp nhất lại thành những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại bằng kỉ luật mà ông đã tuân theo giữa những chu kì hưng cảm của ông.

Lowell xuất viện khỏi Bệnh viện Đa khoa Massachusetts vào ngày 9 tháng Hai. Jamison trích dẫn lại một ghi chú mà một đồng nghiệp của tôi gửi đến các bác sĩ ở McLean: “Cám ơn các ngài vì đã giới thiệu ngài Lowell cho chúng tôi. Ông ấy quả thực là một con người cũng như một bệnh nhân rất thú vị, hệt như lời các ngài nói.” Sau đó cũng trong tháng Hai, Lowell đã hồi phục đáng kể để có thể tới New York và tham gia đọc sách cùng Allen Ginsberg. Ông đã đọc cuốn “Phillips House Revisited.” Vào tháng Chín năm đó, ông qua đời.


  1. Charles Fernyhough là tác giả của cuốn Pieces of Light và The Baby in the Mirror, hai cuốn tiểu thuyết, The Auctioneer (Fourth Estate) và A Box of Birds (Unbound), và đã có những đóng góp cho Guardian, TIME Ideas, Sunday Telegraph, Financial Times, Sydney Morning Herald, và Focus Magazine. Ông đã công bố nhiều bài báo khoa học về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và tư duy, và những quan điểm của ông về tư duy theo lối hội thoại với bản thân đã có tầm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Ông còn là một Giáo sư Tâm lý học bán thời gian tại Đại học Durham, nơi ông điều hành Hearing the Voice, một dự án nghiên cứu về các giọng nói từ bên trong được tài trợ bởi quỹ Wellcome Trust.

    Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về Charles Fernyhough có thể đọc thêm về ông tại đây.

  2. Cộng hưởng từ chức năng là một phương pháp thần kinh đồ sử dụng công nghệ MRI (magnetic resonance imaging), có khả năng đo lường hoạt động của não bộ bằng cách kiểm soát những thay đổi liên quan đến tuần hoàn máu. Kĩ thuật này hoạt động dựa trên mối liên kết giữa tuần hoàn máu não và hoạt động thần kinh. Khi một khu vực não được sử dụng, tuần hoàn máu đi qua khu vực đó cũng sẽ tăng lên.

    Bạn đọc quan tâm đến fMRI có thể đọc thêm tại đây.

  3. Psychological Bulletin hàng tháng xuất bản các đánh giá nghiên cứu tổng hợp và các bài diễn giải về các vấn đề trong khoa học tâm lý. Những đánh giá định tính (mang tính tường thuật) và định lượng (mang tính phân tích tổng hợp) đều sẽ được cân nhắc, tuỳ thuộc vào đặc trưng của cơ sở dữ liệu được sử dụng trong từng bài viết.

    Bạn đọc có thể xem thêm về Psychological Bulletin tại đây.

  4. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder – O.C.D.) là một rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, dấu hiệu phổ biến của bệnh đó là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng, đây là một dạng trong nhóm bệnh liên quan trực tiếp đến Stress (Rối loạn lo âu). Bệnh còn có tên khác là rối loạn ám ảnh cưỡng bức. (Trích Wikipedia tiếng Việt)

    Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn về O.C.D. có thể đọc thêm tại đây.

  5. Trong phong trào tẩy chay xe buýt ở Montgomery (diễn ra từ ngày 5 tháng 12 năm 1955 đến ngày 20 tháng 12 năm 1956), những người Mỹ gốc Phi đã từ chối sử dụng xe buýt trong thành phố ở Montgomery, bang Alabama nhằm phản đối sự phân biệt chủng tộc áp dụng cho các chỗ ngồi trên xe buýt. Đây được coi là hành động nổi dậy chống lại nạn phân biệt chủng tộc với quy mô lớn đầu tiên trên nước Mỹ. Bốn ngày trước sự kiện (tức ngày 1 tháng 12 năm 1955), Rosa Parks, một phụ nữ Mỹ gốc Phi đã từ chối nhường ghế cho một người đàn ông da trắng trên một chuyến buýt ở Montgomery. Sau đó bà đã bị bắt và bị phạt. Phong trào tẩy chay của người da đen ở Montgomery đã nổ ra cùng ngày với phiên toà xét xử bà Parks và kéo dài suốt 381 ngày. Toà án Tối cao Hoa Kỳ cuối cùng đã yêu cầu Montgomery hợp nhất hệ thống xe buýt, và một trong các lãnh đạo của phong trào này, người mục sư có tên Martin Luther King Đệ Nhị (1929 – 1968), nổi lên sau sự kiện như một nhà đi đầu lỗi lạc của Phong trào Dân quyền Mỹ.

    (Theo nguồn: http://www.history.com/topics/black-history/montgomery-bus-boycott)

  6. Joan d’Arc (1412-1431) là nữ anh hùng lãnh đạo quân Pháp chiến đấu chống quân Anh. Đức tin tín ngưỡng cùng với lòng can đảm trên chiến trường của cô đã lên tinh thần cho quân đội Pháp và giành được những thắng lợi quan trọng. Những trận thắng của cô cũng mở đường cho Charles VII lên ngôi vua Pháp. Joan d’Arc không chỉ được tôn vinh bởi sự hy sinh cho đất nước mình, mà cô còn là một biểu tượng của lòng dũng cảm và sự bền bỉ cho bất cứ dân tộc nào đang bị tước mất tự do.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về Joan xứ Arc theo nguồn của trích dẫn trên tại đây.

  7. Câu hỏi về Homer (Homeric Question) bao gồm các nghi ngờ và tranh cãi có liên quan về danh tính của Homer, quyền tác giả của tập thơ Iliad và Odyssey, và tính xác thực của chúng (đặc biệt với tập thơ Iliad). Chủ đề này bắt nguồn từ kỷ nguyên cổ điển (một thuật ngữ rộng để chỉ một giai đoạn dài của lịch sử văn hóa Âu châu với trọng tâm là Địa Trung Hải) và sự hiểu biết uyên thâm về thời kì Hy Lạp cổ đại, nhưng cũng đã trở nên phổ biến trong giới học giả Homer vào các thế kỉ XIX và XX.

    Một ví dụ về chủ đề con trong Câu hỏi về Homer: “Những bài thơ được viết bởi ai, khi nào, ở đâu, và trong hoàn cảnh nào?” (“By whom, when, where, and under what circumstances were the poems composed?”)

    Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về Câu hỏi về Homer có thể đọc thêm tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất