Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Joshua Rothman | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Aceae | Hiệu đính:  Nguyên
17/03/2016
Virginia Woolf (1882-1941) là một nữ văn sỹ Anh nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn. Tác phẩm tiêu biểu của bà bao gồm Mrs. Dalloway (Bà Dalloway, 1925), Orlando (1928), A Room of One's Own (Một căn phòng riêng, 1929) với câu trích dẫn nổi tiếng "Một người phụ nữ cần có tiền và một căn phòng nếu cô muốn viết sách." Woolf tự tử năm 59 tuổi sau nhiều vấn đề tâm lý.

Những ngày này, khi ta sử dụng từ “riêng tư,” nó thường khoác lên một ý nghĩa có phần chính trị. Chúng ta quan tâm đến người khác và việc họ có thể ảnh hưởng đến ta thế nào. Chúng ta nghĩ về cách họ có thể sử dụng thông tin về ta cho những mục đích của riêng họ, hoặc can thiệp vào những quyết định mà đáng ra là quyền lợi chính đáng của ta. Chúng ta để ý đến ranh giới phân cách giữa những thứ có thể được công bố và những thứ riêng tư. Chúng ta có cái có thể gọi là cảm nhận về sự riêng tư theo kiểu quyền công dân.

Rõ ràng đây là một cách quan trọng để nghĩ về sự riêng tư. Nhưng cũng còn cả những cách khác. Một trong số đó được diễn tả rất đẹp trong cuốn sách “Mrs. Dalloway1,”(tạm dịch: Bà Dalloway) trong một phân cảnh nổi tiếng ở phần đầu câu truyện. Đó là khi Clarissa nhớ lại một chi tiết từ thời niên thiếu. Một đêm, cô đi dạo với vài người bạn: hai thằng con trai phiền toái, Peter Walsh và Joseph Breikopf, và một cô bạn gái, Sally Seton. Sally thì sexy, thông minh, có vẻ Bohemian – “sở hữu một cái vẻ bất cần đời, như là cô ta có thể nói bất cứ cái gì, làm bất cứ cái gì.” Bọn con trai tha thẩn ở phía trước, chìm trong một cuộc đối thoại nhạt nhẽo về Wagner, trong khi hai cô gái bị bỏ lại đằng sau. “Rồi đến khoảnh khắc tinh tế nhất của cả cuộc đời khi cô đi qua một nấm mộ có bày hoa.” Sally nhặt một nhành hoa từ ngôi mộ và hôn lên môi Clarissa:

Cả thế giới như bị đảo lộn! Những người khác như đều biến mất; cô ở đó một mình với Sally. Rồi cô cảm thấy như đã được ban cho một món quà, có giấy bọc, và được bảo hãy giữ lấy nó, đừng mở ra xem – một viên kim cương, một cái gì đó quý báu khôn cùng, được gói gọn, mà, trong khi hai người đi tiếp (lên rồi xuống, lên rồi xuống), cô đã khám phá ra, hoặc là hào quang đã cháy thủng, sự khai sáng, cái cảm giác tâm linh đó!

Woolf thường nhìn đời qua con mắt như thế: như một món quà ta được nhận, mà ta cần phải gìn giữ và quý trọng nhưng không bao giờ mở ra. Mở quà bằng như xua tan phép thuật, phá hỏng hết ánh sáng của nó – và ánh sáng của cuộc đời chính là cái khiến nó đáng sống. Khó mà nói được là bám vào cuộc sống mà không nhìn vào nó thì nghĩa là gì; đó là một trong những câu đố trong những quyển sách của Woolf. Nhưng điều này có liên quan đến việc giữ nguyên cái bí ẩn của cuộc đời; để lại một số thứ mà không miêu tả, không chỉ rõ, không xác định; tận hưởng những cảm xúc nhất định, như là tò mò, bất ngờ, ham muốn, và mong đợi. Nó dựa trên một cảm giác mãnh liệt hơn về sự quý báu và mong manh của cuộc sống, cũng như một ý tưởng kiểu Heisenberg2 rằng, đối với những trực giác trừu tượng và tâm linh nhất, thì soi xét quá kĩ sẽ thay đổi cảm xúc của ta. Nói cách khác, nó liên quan đến một kiểu riêng tư nội tâm, kiểu riêng tư mà ta dùng để che chắn bản thân khỏi không chỉ con mắt người đời, mà khỏi chính ta. Hãy gọi nó là cảm giác riêng tư của người nghệ sỹ.

Nhưng điều này có liên quan đến việc giữ nguyên cái bí ẩn của cuộc đời; để lại một số thứ mà không miêu tả, không chỉ rõ, không xác định; tận hưởng những cảm xúc nhất định, như là tò mò, bất ngờ, ham muốn, và mong đợi.

Nhiều người chấp nhận khái niệm rằng mỗi người trong chúng ta sở hữu một cái bên trong nhất định – một cái kén của bản ngã mà ta không thể chia sẻ với ai khác. (Levin ở đoạn cuối cuốn “Anna Karenina,”3 gọi nó là thứ thiêng liêng nhất trong những cái thiêng liêng” của anh, và nói rằng, dù anh có trở nên gần gũi những người xung quanh đến đâu, sẽ luôn có “bức tường đó giữa “thứ thiêng liêng nhất” của tâm hồn tôi và những người khác, kể cả vợ tôi.”) Cái mà Woolf quan tâm là cách mà ta bắt đầu nhận thức được cái bên trong đó. Ta biết nó rõ nhất, bà nghĩ, khi mà ta, trong những khoảnh khắc bị bóc trần, buộc phải che chắn nó khỏi thế giới bên ngoài.

Có lẽ có cái gì đó thích thú, thậm chí thức tỉnh về cảm giác bảo vệ bản thân đó, mà chính là lý do khiến ta đi tìm những hoàn cảnh mà trong đó ta có thể cảm thấy rõ rệt hơn sự tương phản giữa thế giới ngoài kia và bản ngã bên trong của ta. Woolf bị cuốn hút bởi cuộc sống thành thị – bởi cảm giác sự-một-mình-được-phơi-bày mà những hè phố khuyến khích, và bằng cách mà việc “bám phố,” như cách bà gọi nó, cho phép ta đi lạc và rồi lại tìm thấy bản thân giữa nhịp điệu cái quen cái lạ nơi thành thị. Bà bị hấp dẫn bởi hình tượng bà chủ nhà: một người-phụ-nữ-để-nhìn-vào, đứng trên đầu cầu thang, thân thiện với tất cả, nhưng càng nhìn thấy lại càng thấy bí ẩn. (Một trong những cái thú của việc tổ chức một buổi tiệc, Woolf chỉ ra, là nó cho phép ta làm bản thân bất ngờ: đứng giữa hội bạn bè, là trung tâm của chú ý, ta cảm thấy biệt lập khỏi cái xã hội ta đã triệu tập đến.) Bà mô tả việc làm thế nào mà cha mẹ, bạn bè, người tình, và vợ chồng có thể trở nên khó nắm bắt hơn theo thời gian, chứ không phải là dễ hơn – có một cái cốt lõi trong con người họ mà họ sẽ không bao giờ chịu phô ra. Kể cả khi họ đem cuộc đời mình ra trưng bày, người nghệ sỹ thăng hoa khi duy trì một thành trì nhỏ cuối cùng của cái riêng – một suối nguồn nguyên vẹn, không vấy bụi từ thế giới bên ngoài. “Ở đó có gì đó quan trọng; một thứ, bao quanh bởi những cuộc nói chuyện, giấu mặt và bí ẩn trong chính đời cô, bị đánh rơi từng ngày giữa trụy lạc, dối gian, inh ỏi,” Clarissa nghĩ, ở đoạn cuối cuốn “Mrs. Dalloway.” Đương nhiên, chính là những câu chuyện phiếm liên miên – bữa tiệc – đã giúp cô biết được cô có cái để mất.

Kể cả khi họ đem cuộc đời mình ra trưng bày, người nghệ sỹ thăng hoa khi duy trì một thành trì nhỏ cuối cùng của cái riêng – một suối nguồn nguyên vẹn, không vấy bụi từ thế giới bên ngoài.

Có mặt tốt và xấu của việc duy trì sự riêng tư nội tâm này. Đến khoảng giữa cuốn “Mrs. Dalloway,” chồng của Clarissa, Richard, quyết định trong giờ nghỉ trưa sẽ mua hoa hồng cho cô; kế hoạch của anh là đi bộ về nhà, tặng hoa cho cô, và nói, “Anh yêu em.” Đấy là một việc lãng mạn bất thường đối với anh, nhưng, bằng một lý do nào đó, anh bị choáng ngợp và nhận ra là “lấy Clarissa thật là một điều kỳ diệu.” Richard sải bước vào phòng khách, đưa cho cô bó hoa, nhưng rồi nhận ra là anh không thể nói một lời nào. Lòng anh sung sướng, tràn ngập tình yêu: “Hạnh phúc là đây, là đây,” anh nghĩ. Một cơn sóng cảm xúc dâng trào tột đỉnh trong lòng anh. . Nhưng, kể cả với từng đó cảm xúc, anh chỉ có thể nói những chuyện vụn vặt: bữa trưa, buổi tiệc tối hôm đó, và gia sư dạy con gái họ. Cuối cùng, anh đứng dậy để đi. Clarissa nhìn anh. “Anh đứng đó một thoáng như định nói gì,” Woolf viết, “và cô tự hỏi đó là gì. Tại sao? Còn đóa hoa thì sao.” Khi Richard chào tạm biệt, Clarissa nghĩ:

Con người ta có một cái phẩm giá; một sự lẻ bóng; kể cả giữa vợ chồng cũng có một vực thẳm; và thứ đó ta phải tôn trọng … vì ta không thể rời nó, hoặc đoạt lấy nó từ chồng ta trái với ý anh, mà không mất đi sự độc lập của ta, tự trọng của ta – một thứ mà, cuối cùng, vẫn là vô giá.

Woolf thường lấy một bối cảnh lãng mạn và biến nó trở nên cứng rắn hơn – có thể nói đó là cái giá của riêng tư nội tâm. Hôn nhân, tình yêu, và sự gần gũi chỉ đi đến một ngưỡng thôi; và ở cuối con đường đó bạn quay trở lại dựa vào cái khắc khổ và tĩnh mịch của cuộc sống nội tâm. Clarissa thì lại thích sự khắc khổ hơn là gần gũi. Thi thoảng cô nghĩ đến Peter Walsh, người đã phải lòng cô, người cô đã có thể lấy thay vì Richard. Peter thì chín chắn, trí thức, lãng mạn và đam mê. Anh thích nói chuyện, và lắng nghe nghiêm túc những suy nghĩ của cô. Anh quyết tâm tìm hiểu tâm hồn cô. Với ai đặt sự thân mật lên hàng đầu trong một mối quan hệ, đó là một điều tốt. “Nhưng với Peter thì mọi thứ đều phải được chia sẻ, mọi thứ phải được thảo luận. Thật không chịu nổi,” Clarissa nghĩ. Nhiều năm sau, ngồi trên ghế công viên, cô vẫn thấy lại trong tâm trí những cuộc tranh cãi giữa cô và Peter: “Đột nhiên cô bị bao trùm bởi suy nghĩ, Nếu anh ấy giờ ở đây với mình, anh sẽ nói gì?” Richard cho cô được riêng tư, và kèm theo đó là cái cô độc nội tâm; anh để tâm hồn cô chỉ là của cô. Đương nhiên anh không bao giờ nói “Anh yêu em.” Còn Peter khi nghĩ về Clarissa, rằng trước giờ vẫn luôn có “một sự băng giá, một cái gì đó như gỗ đá ở cô, vô cùng sâu thẳm…một sự bất khả xâm phạm. Nhưng có Chúa chứng giám, anh yêu cô.” (Câu chuyện của Septimus Smith, chiếm khoảng nửa cuốn “Mrs. Dalloway,” cho thấy hệ quả đáng buồn nhất của sự riêng tư nội tâm: anh bị tổn thương đến tận xương tủy, kể cả những người sẽ giúp được anh cũng chẳng thể chạm đến anh.)

Cùng lúc đó thì cái lợi của việc giữ vững sự “bất khả xâm phạm” có thể rất to lớn. Trong một chi tiết nổi tiếng của câu chuyện, Clarissa tự mua hoa cho mình, cô tận hưởng không khí mát lành và yên lặng trong cửa hàng hoa; và Woolf gợi ý rằng điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống nội tâm của Clarissa, nơi mà những cảm xúc tột độ của cô được giữ nguyên vẹn và tinh khiết. Kể cả Peter, qua thời gian, cũng bắt đầu nghĩ về bản thân theo cách này: “Cái bù đắp cho tuổi già,” anh nghĩ, là khi “những niềm đam mê vẫn mạnh mẽ như thuở nào, nhưng con người ta đạt được – cuối cùng! – cái quyền lực tô màu cho sự tồn tại, – có thể nắm lấy trải nghiệm, có thể cầm và xoay nó, thật chậm rãi, trước ánh sáng.” Học cách không can thiệp vào cuộc sống nội tâm của bạn, cũng là học cách nuôi dưỡng và trân trọng nó.

Và từ đó ta có thêm một khả năng khác, tâm linh một cách kỳ lạ: khả năng nhìn nhận bản thân theo một cách trừu tượng. Thay vì lạc lối trong một rừng những chi tiết đời thường, ta chỉ quan tâm đến những cảm xúc, họa tiết, sắc thái. Ta học cách quý trọng muôn mặt cuộc sống mà không cần nói với ai về chúng, và không vì phân tích quá mà phá hỏng chúng. Woolf gợi ý rằng những cảm xúc được giữ gìn đó có thể là nguồn gốc của sự thu hút: khi Peter nhìn thấy Clarissa ở bữa tiệc và tự hỏi “Nỗi khiếp đảm nào đây? Sung sướng tột cùng nào đây? …Điều gì đang lấp đầy ta với sự phấn khích lạ thường?,” câu trả lời có lẽ chính là ánh sáng của Clarissa, không bao giờ có thể nhìn thấy trực tiếp, nhưng tỏa ra từ bên trong. Clarissa, trong lúc đó, để trực giác của cô nâng cô xa khỏi thời khắc hiện tại một chút. Lang thang quanh khu vườn sáng ánh đèn của mình, cô nhìn những vị khách đến buổi tiệc: “Cô không biết tên họ, nhưng biết họ là bạn, bạn không tên, bài ca không lời, luôn là nhất.” Đó là sức mạnh của cái riêng tư của người nghệ sỹ. Nó giữ lại những giai điệu mà bình thường chìm nghỉm giữa từ ngữ, câu chuyện, thông tin.

“Cái bù đắp cho tuổi già,” là khi “những niềm đam mê vẫn mạnh mẽ như thuở nào, nhưng con người ta đạt được – cuối cùng! – cái quyền lực tô màu cho sự tồn tại, – có thể nắm lấy trải nghiệm, có thể cầm và xoay nó, thật chậm rãi, trước ánh sáng.”

Khái niệm riêng tư trừu tượng và nội tâm của Woolf dĩ nhiên mang dấu ấn của một thời đại và địa điểm rất nhất định (không kể đến cuộc đời vô cùng đặc biệt của bà – Woolf có một cuộc đời bí mật rất phong phú). Nó vay mượn nhiều từ chủ nghĩa nữ quyền, và việc nhận ra rằng đàn ông, chứ không phải phụ nữ, từ lâu đã được mặc định có quyền riêng tư. Nó cũng bước ra từ cái ý tưởng vô cùng hiện đại rằng có một cái nội tâm nhất quán, ẩn giấu bên trong mà từ đó nghệ thuật sinh ra. Ngày nay, dễ là ta nhìn nghệ thuật như một quá trình cộng tác – sản phẩm của một bối cảnh, chứ không phải của một người. Tôi nghi rằng chúng ta cũng nhận thức được mức độ ta dựa vào các mạng lưới xã hội để hiểu hơn về bản thân mình. Những năm gần đây, nhiều triết gia lập luận rằng những người khác có lẽ còn biết ta nhiều hơn chính bản thân mình.

Tôi thì cảm thấy khái niệm về riêng tư của Woolf vẫn rất liên quan; khi để tâm hơn đến nó, tôi có thể thấy nó ở khắp nơi. Tiểu thuyết của Adelle Waldman, “The Love Affairs of Nathaniel P.” (Tạm dịch: Những cuộc tình của Nathaniel P.), ngoài những giá trị khác của nó, có nội dung chính là một câu chuyện tình giống như của “Mrs. Dalloway” nhưng với vị trí giới tính được đảo ngược lại: như Clarissa, Nate lựa chọn người tình sẽ không thể biết anh, thay vì người quyết tâm hiểu được anh. (Anh làm vậy, một phần để có thể tiếp tục gây bất ngờ cho bản thân – hay là, tiếp tục kiến tạo.) Trong khi đó, trên Tumblr và Facebook, ta tìm kiếm chính cái quảng giao riêng tư mà Woolf miêu tả. Thường thì ta nghĩ về mạng xã hội như một diễn đàn để trưng bày. Nhưng tất yếu là, việc ghi lại những tiểu tiết hằng ngày – ăn uống, tập luyện, suy nghĩ về chính trị, sách truyện, và âm nhạc – cũng chạm đến giới hạn của chính nó; cuối cùng nó lại gạch chân nhấn mạnh cái không thể chia sẻ được. Việc thoải mái nói về cuộc đời ta giúp ta cảm nhận được sức nặng của những cảm xúc mà quá mơ hồ, hoặc quá tâm linh, để diễn đạt – và rồi để lại không nói ra và không khám phá, chúng cho ta cảm giác nhẹ nhõm về sự tồn tại riêng tư của mình. “Chia sẻ” thực ra lại đối lập với việc ta làm: giống như một trong những bà chủ nhà của Woolf, ta tổng duyệt một sự “mở” có giới hạn hòng cảm thấy hình hài bản ngã của chính mình.

Lúc này lúc khác, ta tình cờ bắt gặp những tác phẩm diễn đạt ý tưởng của Woolf theo một thể loại hoàn toàn khác và cho nó một cú F5. Từ lúc vô tình thấy bài hát này vào vài năm trước, tôi đã xem đi xem lại hàng trăm lần Lucinda Williams4 biểu diễn bài “Side of the Road” năm 1989. Bài hát này xoay quanh một phép ẩn dụ đơn giản: Williams đang lái xe trên đường với người yêu đầy vui vẻ. Nhưng kể cả thế, bà vẫn muốn táp vào lề đường và đứng đó một mình. “Em muốn biết anh ở đó, nhưng em muốn được ở một mình,” bà hát.

Dù chỉ là vài phút thôi, em muốn biết cảm thấy thế nào khi vắng anh
Em muốn biết cảm giác làn da mình chạm vào
Dưới mặt trời, trước ngọn gió
Đi qua cánh đồng, cỏ mọc cao, cọ lên chân em.
Chỉ đứng và nhìn ra khoảng không, và một căn nhà ở xa xa.
Và em nghĩ về những người sống ở đó,
Và em tự hỏi họ có hạnh phúc không, hài lòng không.
Liệu có những đứa trẻ, có chồng và vợ?
Nàng có yêu chồng và rũ tóc ra khi đêm đến?
Nếu em đi quá xa khỏi anh, đừng cố đi tìm.
Không phải là em không yêu anh, không phải là em
sẽ chẳng quay về và ở bên anh.
Chỉ là em cần ít thời gian
Để đi con đường không đứt đoạn
Đến một nơi hoa mọc dại
Đến chỗ em từng đến hoài

Từ một góc nhìn hoàn toàn khác, Williams đã miêu tả được ý tưởng mà ta tìm thấy trong những cuốn tiểu thuyết của Woolf: không có một cách thỏa đáng cuối cùng nào để cân bằng nhu cầu được hiểu với nhu cầu được ở một mình. Điểm cân bằng sẽ luôn bấp bênh và tạm thời; luôn có sự không hài lòng, sự cho và nhận, và hy sinh. Bởi vì sự riêng tư của người nghệ sỹ là một trạng thái của tâm trí, chứ không phải một điều luật, không có quy luật nào để giúp ta làm chủ nó. Ta phải tự đưa ra quyết định của mình trong việc cân bằng những rủi ro với phần thưởng – để trao đổi, theo tỷ lệ phù hợp, sự cô độc với tự do, thấu hiểu với bí ẩn, và cái biết được với cái không biết trong ta.


  1. Mrs. Dalloway là một cuốn tiểu thuyết xuất bản vào năm 1925 bởi Virginia Woolf, và cũng là cuốn sách nổi tiếng nhất của tác giả này. Cuốn sách miêu tả một ngày của Clarissa Dalloway, một phụ nữ thuộc giới thượng lưu sống trong thời kỳ hậu Thế Chiến I ở Anh, và thông qua những dòng suy nghĩ cũng như kí ức của nhân vật và các câu chuyện xảy ra xung quanh để cho thấy hình ảnh về cuộc sống của nhân vật chính cũng như hệ thống xã hội trong chiến tranh.

  2. Ở đây hàm ý nhắc đến Nguyên lý bất định (hay Uncertainty principle) do nhà vật lý Đức Werner Heisenberg phát biểu, rằng trong cơ học lượng tử ta không thể cùng lúc đo đạc chính xác cả vị trí và động lượng của một hạt. Tác giả có ngụ ý rằng quan sát hay đo lường một vật sẽ làm thay đổi trạng thái của vật đó.

  3. Anna Karenia là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga Leo Tolstoy, xuất bản theo một sê-ri trong các năm từ 1873 đến 1877 trên tờ The Russian Messenger. Levin, nhắc đến ở trên, là tên một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết.

  4. Lucinda Williams (sinh ngày 26/01/1953) là một ca sĩ và người viết nhạc của các dòng nhạc rock, folk, blues, và đồng quê người Mỹ. Xem thêm thông tin chi tiết về Lucinda Williams tại đây.

2 thoughts on “Sự riêng tư trong mắt Virginia Woolf

  1. Cảm ơn Zeal vì đã dịch bài viết này. Mình mới đọc quyển Căn phòng riêng (A room of one’s own) và suy đoán về khái niệm riêng tư theo như những gì bà viết trong cuốn này, chứ chưa đọc Mrs. Dalloway. Vậy mà may mắn thế nào đã có bài viết này của các bạn về nhà văn ưa thích của mình. Cảm ơn nha <3

Leave a Reply to Vân Anh Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất