11/07/2017
Trong bài viết thứ nhất của series về triết học của zeal, Triết Học 101, mình có giới thiệu qua thế nào là triết học và triết học bao gồm những phân nhánh chính nào. Ở bài viết thứ hai này, mình không muốn mang đến cho các bạn một bài viết tổng kết hết kiến thức về lập luận hay tư duy phản biện (critical thinking). Mục tiêu của bài viết này chỉ đơn giản là để cung cấp những kiến thức được coi là cần thiết và cơ bản nhất của lập luận, điều quan trọng và tối thiểu cho những ai muốn học triết và hiểu triết. Ở cuối bài, mình cũng sẽ đưa ra một vài ví dụ về các lỗi lập luận mà chúng ta thường hay mắc phải nhưng không phải lúc nào cũng nhận ra.
Một người học triết cần phải nắm rõ ràng và chắc chắn cách lập luận hay tranh luận (arguments). Tất cả các vấn đề trong triết học đều quay xung quanh lập luận. Nhưng tất nhiên không phải ai cũng biết thế nào là lập luận và cách lập luận như thế nào là đúng. Trong nhiều trường hợp, đôi bên cứ cãi nhau và cho rằng lập luận của mình là hợp lý, trong khi trên thực tế, họ không hiểu họ đang nói về vấn đề gì, hoặc hai người đối thoại đang nói về những vấn đề không hề liên quan đến nhau.
Vậy thế nào là lập luận? Lập luận là một chuỗi các tiền đề (premise) được viết ra với mục đích đưa đến một kết luận nhất định. Để đánh giá một lập luận là tốt hay dở, logic hay phi logic, chúng ta cần xác định lập luận đó có đảm bảo tính hiệu lực (validity) và tính đúng đắn (soundness) hay không.
Tuy nhiên, trước khi phân tích hai khái niệm này, một điều rất quan trọng cần lưu ý là, khi lập luận, điều đầu tiên và tiên quyết một người cần làm là gạt bỏ mọi cảm xúc cá nhân và chỉ tập trung vào cách người khác lập luận thôi. Có nhiều cây bút rất giỏi trong việc đánh vào cảm xúc của người đọc, và nhờ thế khiến người đọc tin vào những gì họ viết. Điều này không tốt chút nào, vì thực ra cái họ đang làm không phải là lập luận mà là chơi đùa và lợi dụng cảm xúc, một lỗi ngụy biện rất rất nhiều người mắc phải. Vì một lập luận tốt là một lập luận dựa trên lý lẽ và bằng chứng, cảm xúc của người đọc hoàn toàn không liên quan đến tính đúng sai của lập luận.
Hãy nhớ, trong triết học không ai đôi co ở kết luận cả. Đôi co ở kết luận chỉ mất thời gian và vấn đề sẽ không đi đến đâu. Nếu bạn không đồng ý với kết luận, bạn phải chỉ ra trong lập luận, tiền đề nào sai.
Sau đây, chúng ta sẽ bàn về những nguyên tắc chính của lập luận.
1. Tính hiệu lực của lập luận (Validity of argument)
Tính hiệu lực của lập luận được hiểu đơn giản như sau: NẾU các tiền đề trong lập luận của bạn đúng, THÌ kết luận của bạn PHẢI đúng. Tính hiệu lực liên quan nhiều đến hình thức của lập luận, chỉ cần lập luận của bạn tuân thủ theo quy tắc logic trên, thì lập luận của bạn đảm bảo được tính hiệu lực (the argument is valid). Hay nói một cách văn hoa hơn, một lập luận có tính hiệu lực khi sự thật của các tiền đề đảm bảo sự thật của kết luận, hay việc các tiền đề đúng đảm bảo việc kết luận đúng. Chú ý rằng, tính hiệu lực của một lập luận không quan trọng sự đúng sai của từng tiền đề trong lập luận của bạn, tính hiệu lực chỉ đề cập đến việc lập luận của bạn có theo quy luật của logic hay không mà thôi.
Chúng ta hãy thử xem xét một ví dụ:
Tiền đề 1: Tất cả các bạn trai trong lớp tao đều thích My.
Tiền đề 2: Thái là một đứa con trai trong lớp tao.
Kết luận: Thái thích My.
Nếu thật sự là tất cả các bạn trai trong lớp của bạn đều thích bạn My, và đúng sự thât là Thái là một đứa con trai trong lớp bạn, thì bạn PHẢI chấp nhận kết luận là Thái thích My. Hãy để ý đến việc ở đây chúng ta chỉ nhấn mạnh mệnh đề quan hệ nếu thì. Tức là NẾU mệnh đề 1 mà đúng sự thật, và mệnh đề 2 cũng đúng sự thật, THÌ theo quy luật của logic, bạn PHẢI chấp nhận kết luận là Thái thích My cũng đúng sự thật. Đó chính là điều kiện để một lập luận có tính hiệu lực. Một lần nữa, một lập luận có tính hiệu lực là một lập luận trong đó sự thật của tiền đề đảm bảo chắc chắn sự thật của kết luận.
Hãy để ý đến form của lập luận, mình có thể viết lập luận phía trên theo dạng
Tiền đề 1: P có tính chất A.
Tiền đề 2: Q ∈ P (hay Q thuộc P).
Kết luận: Q có tính chất A.
Bạn chỉ cần thay P bằng bất cứ thứ gì bạn muốn, A và Q cũng vậy. Tất cả những lập luận đi theo mẫu trên thì đều có tính hiệu lực. Tất nhiên, form trên không phải là form duy nhất để lập luận có tính hiệu lực. Mình muốn giới thiệu với các bạn hai form nữa mà các triết gia phương Tây rất hay dùng trong lập luận của họ.
Form thứ nhất mình xin tạm gọi là form so sánh. Form này được dùng trong một lập luận rất nổi tiếng của giáo sư Peter Singer của trường đại học Princeton trong bài luận Famine, Affulence and Morality (Tạm dịch Đói nghèo, Giàu Sang và Đạo Đức) mang tính cách mạng trong cộng đồng triết học phương Tây thời đó.
Tiền đề 1: Ta khá chắc chắn là P sai.
Tiền đề 2: Giữa P và Q không có sự khác biệt nào quan trọng về mặt đạo đức.
Kết luận: Ta khá chắc chắn Q sai.
Tuy phạm vi của bài viết này không đủ để trình bày cụ thể lập luận của giáo sư Peter Singer, nhưng bạn hãy thử tưởng tượng một viễn cảnh sau: Bạn đang trên đường đi dự một buổi tiệc rất quan trọng. Bộ suit bạn vừa mới mua có giá tầm $1.000 và bạn mua chỉ để diện đi dự bữa tiệc này. Trên đường bạn đi qua một chiếc đầm lầy, và bạn biết chắc chắn không có ai xung quanh cả. Bạn nhìn kĩ thì thấy một đứa trẻ sắp chết đuối đang vùng vẫy trong đầm. Bạn biết chắc chắn rằng, nếu bạn không nhảy xuống cứu đứa bé, đứa bé sẽ chết. Nhưng nếu bạn nhảy xuống, bộ suit trị giá $1.000 sẽ hỏng, điều tệ hơn là bạn sẽ đến muộn buổi tiệc quan trọng nữa. Giáo sư Peter Singer đưa ra một lập luận như sau:
Tiền đề 1: Việc bạn bỏ đi và không cứu đứa trẻ chỉ vì sợ bẩn bộ suit trị giá $1.000 và muộn tiệc là một việc hoàn toàn sai.
Tiền đề 2: Việc bạn bỏ đi và không cứu đứa trẻ chỉ vì sợ bẩn bộ suit trị giá $1.000 và muộn buổi tiệc không có sự khác biệt quan trọng nào về mặt đạo đức so với việc bạn từ chối đóng góp tiền cho các tổ chức từ thiện để cứu ít nhất một đứa trẻ ở Châu Phi đang bị bệnh sốt rét và dùng tiền đó để chi tiêu cho những thứ xa hoa như túi xách tay Dior, ăn ở nhà hàng sang trọng, vân vân và mây mây.
Kết luận: Việc bạn từ chối đóng góp tiền cho các tổ chức từ thiện để cứu ít nhất một đứa trẻ ở Châu Phi bị bệnh sốt rét và dùng tiền đó để chi tiêu cho những mặt hàng xa xỉ là một việc hoàn toàn sai.
Bạn để ý, giáo sư Peter Singer chỉ thay P = “Việc bạn bỏ đi và không cứu đứa trẻ chỉ vì sợ bẩn bộ suit trị giá 1.000 đô và muộn buổi tiệc,” và Q = “việc bạn từ chối đóng góp tiền cho các tổ chức từ thiện để cứu ít nhất một đứa trẻ ở Châu Phi đang bị chết vì bệnh sốt rét và dùng tiền đó để chi tiêu cho những thứ xa hoa như túi Dior, ăn ở nhà hàng sang trọng.” Không quan trọng liệu P và Q có đúng hay có phải sự thật không, chỉ cần lập luận của giáo sư Peter Singer đúng theo form trên, ta nói lập luận của giáo sư hoàn toàn có tính hiệu lực.
Form hay dùng thứ 3 của các nhà triết gia mình xin tạm gọi là form nhân quả (nhân quả trong từ nguyên nhân kết quả). Form này như sau:
Tiền đề 1: Nếu có P thì ta có Q.
Tiền đề 2: Ta có P.
Kết luận: Ta có Q.
Một ví dụ của lập luận có form trên như sau:
Tiền đề 1: Nếu Washington D.C. là thủ đô của Việt Nam, nhà Trắng sẽ được đặt tại Việt Nam.
Tiền đề 2: Washington D.C. đúng là thủ đô của Việt Nam.
Kết luận: Nhà Trắng được đặt tại Việt Nam.
Chưa màng đến tính đúng sai của các tiền đề, chỉ cần lập luận có form trên, bạn có thể nói lập luận có tính hiệu lực, hay sự thật của các tiền đề đảm bảo sự thật của lập luận.
Bây giờ tạm quay lại với lập luận đầu tiên:
Tiền đề 1: Tất cả các bạn trai trong lớp tao đều thích My.
Tiền đề 2: Thái là một đứa con trai trong lớp tao.
Kết luận: Thái thích My.
Nếu bạn không đồng ý với kết luận là Thái thích My và bạn muốn tranh luận là không, Thái không hề thích My tí nào, thì điều bạn cần làm không phải là cứ gân cổ lên cãi là Thái không thích My. Khi làm vậy, bạn chỉ đang cãi lộn ở kết luận mà không đề ý tới tiền đề. Hãy nhớ, trong triết học không ai đôi co ở kết luận cả. Đôi co ở kết luận chỉ mất thời gian và vấn đề sẽ không đi đến đâu. Nếu bạn không đồng ý với kết luận, bạn phải chỉ ra trong lập luận, tiền đề nào sai. Ví dụ, bạn không đồng ý với kết luận là Thái thích My. Có một số cách bạn bạn có thể áp dụng để chứng minh kết luận trên là sai.
Cách 1: Phủ định lại tiền đề 1. Bạn nói, không phải tất cả các bạn trai trong lớp đều thích My. Bạn để ý rằng, hôm trước có Tuấn, Khánh, Đạt bảo là thích cái Trang. Và bạn lập luận lại rằng, cả Tuấn, Khánh, và Đạt đều là con trai trong lớp mình. Vậy điều này khiến tiền đề 1 sai, tiền đề 1 sai khiến kết luận sai. Chưa chắc Thái đã thích My.
Cách 2: Phủ định lại tiền đề 2. Có nghĩa là bạn chấp nhận tiền đề 1. Bạn đồng ý rằng ở trong lớp bạn, tất cả các bạn con trai đều thích My. Nhưng bạn thấy có điều sai ở tiền đề thứ 2. Bạn phủ định lại tiền đề thứ 2 bằng cách nói: Ừ thì giới tính của Thái là con trai, nhưng Thái tự nhận mình là gay mà. Việc Thái gay khiến cho tiền đề thứ 2 sai. Thái không giống những đứa con trai khác trong lớp mình, có nghĩa là Thái không thuộc tập hợp đó. Hoặc Thái là một cậu bạn ất ơ ở lớp bên. Điều này cũng khiến tiền đề thứ 2 hai. Tiền đề thứ 2 sai khiến cho kết luận sai.
Vậy điều quan trọng ta thấy ở đây là, không ai tranh cãi ở kết luận cả. Nếu bạn không đồng ý với kết luận, hãy chỉ ra tiền đề nào trong lập luận là sai và chứng minh tại sao tiền đề đó sai.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng chuyển qua lập luận sau:
Tiền đề 1: Nếu Washington D.C. là thủ đô của Việt Nam, nhà Trắng sẽ được đặt tại Việt Nam.
Tiền đề 2: Washington D.C. đúng là thủ đô của Việt Nam.
Kết luận: Nhà Trắng được đặt tại Việt Nam.
Nhìn kết luận, bạn biết rõ là sai. Nhưng hãy để ý, tính hiệu lực của lập luận này không hề bị ảnh hưởng. Vì sao? Vì NẾU tiền đề 1 là đúng sự thât, và NẾU tiền đề 2 cũng đúng sự thât, THÌ kết luận chắc chắn đúng sự thật. Hay nói cách khác, sự thật của tiền đề 1 và 2 đảm bảo sự thật của kết luận. Và lập luận trên tuân thủ theo form của logic. Lập luận trên vẫn đảm bảo tính hiệu lực
Nói đến đây, ta sẽ chuyển qua tính chất thứ hai cần lưu ý trong mỗi lập luận.
2. Tính đúng đắn của lập luận (soundness of argument)
Để một lập luận được coi là đúng đắn, hay nói cách khác, được coi là có lý, thì trước hết lập luận đó phải có tính hiệu lực (tức lập luận phải tuân theo nguyên tắc của logic), và thứ hai, tất cả các tiền đề trong lập luận đó phải đúng với sự thât.
Ở ví dụ về lập luận Washington D.C., tuy lập luận đó có tính hiệu lực, tức form của logic vẫn được tuân theo, nhưng sự thật của các tiền đề lại không đúng. Nghĩa là sự thật của tiền đề 1 và tiền đề 2 là sai. Bởi vậy, lập luận Washington D.C. là một lập luận không có lý hay lập luận không có tính đúng đắn. Tính đúng đắn của lập luận Washington D.C không được đảm bảo nhưng tính hiệu lực vẫn có (The argument is not sound but still valid).
Trong tranh luận đời thường, bạn cần phải hiểu rõ hai tính chất của một lập luận, đó là tính hiệu lực và tính đúng đắn. Vì đôi khi, người bạn đang tranh luận đưa ra một lập luận mà không có tí hiệu lực nào. Nếu bạn thấy lập luận của người bạn đang tranh luận đã đảm bảo tính hiệu lực, bạn mới bắt đầu xét tính đúng đắn. Nếu tính hiệu lực không được đảm bảo, bạn không nên mất thời gian để tranh luận nữa.
Nhưng trong tất cả các tranh luận triết học, chúng ta thường quan tâm đến tính đúng đắn của lập luận hơn là tính hiệu lực. Tức là, chúng ta quan tâm xem các tiền đề trong lập luận đó có đúng hay không. Chúng ta thường không quan tâm nhiều đến tính hiệu lực, vì đây là một điều kiện căn bản trong tranh luận triết học, và đa số (nếu không muốn nói tất cả) các lập luận trong triết học đều đảm bảo tính hiệu lực.
Điều cần nhớ là, nhân cách và nhân phẩm của người tranh luận không hề liên quan đến tính đúng sai của lập luận.
3. Lòng khoan dung trong tranh luận (Charity in argument)
Khi đã nắm rõ hai điều trên, một thứ nữa bạn cần để có thể học triết là phải biết khoan dung và thật thà. Khoan dung ở đây nghĩa là gì? Trong triết học, có rất nhiều triết gia không viết lập luận của họ một cách rõ ràng, mà lại viết vòng vo và không viết dưới dạng các tiền đề và kết luận như những gì mình viết phía trên. Điều đầu tiên và tiên quyết bạn phải làm là dựng lại lập luận của họ một cách dễ hiểu, rõ ràng, và có lý nhất có thể. Đây chính là sự khoan dung khi phân tích lập luận trong triết học.
Trong tranh luận ngoài phạm vi triết học chính khóa, nghĩa là hai người đang tranh luận với nhau về một chủ đề nào đó, khoan dung ở đây yêu cầu bạn phải hiểu rõ đối phương đang muốn nói gì, trước khi đáp lại lập luận của họ. Bạn phải cố gắng làm cho luận điểm của đối phương tốt nhất, sắc bén nhất, và mạnh nhất có thể. Như triết gia Daniel Dennett đã từng nói, phải làm thế nào để khiến đối thủ của bạn rên lên trong sung sướng và thỏa mãn “Cảm ơn anh, tôi ước gì mình có thể nêu lên luận điểm rõ ràng đến như thế.”
Sẽ thực sự không có giá trị gì khi bạn dựng lại một lập luận quá đỗi dễ dàng để phản biện. Trong triết học, việc dựng sai hay cố tình hiểu sai đi lập luận của đối phương là điều không thể chấp nhận được. Điều này sai vì bạn đang cố gắng làm lệch đi lập luận của đối phương, đè họ xuống để mình dễ dàng phản biện và chiến thắng trong tranh luận. Ví dụ, bạn rất ghét Minh. Trong một cuộc thảo luận nhóm, Minh có nói rằng: “Theo quan điểm của tớ, phụ nữ có xu hướng quan tâm nhiều tới bề ngoài của họ hơn, họ có xu hướng dành nhiều tiền cho việc phẫu thuật thẩm mĩ và mua nhiều loại mĩ phẩm làm đẹp hơn con trai.”
Do ghét Minh, sau khi thảo luận nhóm xong, trong một cuộc nói chuyện với Hiếu, bạn thân của bạn, bạn nói rằng: “Hiếu mày có biết không? Thằng Minh nó bảo tất cả phụ nữ đều quan tâm nhiều tới bề ngoài của họ hơn và dành nhiều tiền cho việc phẫu thuật thẩm mĩ và mua nhiều loại mĩ phẩm làm đẹp hơn con trai. Tao thấy rằng lập luận thằng Minh quá kém, tao có thể dễ dàng đưa ra một ví dụ để phản biện lại nó. Mày có nhớ đứa Hà Linh không, cũng là con gái, tao thấy nó chả quan tâm quái gì đến đến ngoại hình của nó cả. Hà Linh ăn mặc xuề xòa còn hơn con trai ý.”
Rõ ràng, việc bạn làm ở đây là hiểu sai đi lập luận của Minh, hay làm lập luận của Minh yếu hẳn đi và dễ dàng phản biện lại với một ví dụ đơn giản. Nếu đọc kĩ, bạn sẽ thấy rằng Minh không hề nói rằng “tất cả mọi phụ nữ trên thế gian” đều quan tâm đến ngoại hình của bọn họ. Minh chỉ nói rằng phụ nữ “có xu hướng,” tức là vẫn sẽ có những trường hợp ngoại lệ và không phải phụ nữ nào cũng đều quan tâm nhiều đến vẻ ngoài của họ hơn con trai.
Với tư cách một người học triết, bạn sẽ không muốn mình mắc phải điều này. Hãy cố gắng hiểu lập luận của đối phương và dựng lại lập luận của họ một cách rõ ràng và thuyết phục nhất có thể.
Như triết gia Daniel Dennett đã từng nói, phải khiến đối thủ của bạn rên lên trong sung sướng và thỏa mãn “Cảm ơn anh, tôi ước gì mình có thể nêu lên luận điểm rõ ràng như thế.”
4. Những lỗi ngụy biện hay gặp trong lập luận (Argument fallacy)
Có rất nhiều lỗi ngụy biện trong lập luận, nhưng trong phạm vi bài viết này, mình xin giới thiệu ba lỗi ngụy biện mà bản thân mình thấy mọi người hay gặp phải nhất.
Tưởng tượng bạn có một cô bạn tên Hoa. Cô bạn này luôn luôn nghĩ rằng việc ngoại tình là một điều sai trái, nhưng chính bản thân Hoa lại đi ngoại tình với một anh chàng làm cùng cơ quan. Bạn của bạn tên Minh nói, mày đừng tin những gì Hoa nói về ngoại tình, mày biết thừa Hoa là một đứa đạo đức giả. Đây là một lỗi tư duy rất phổ biến mà mọi người hay mắc phải. Chỉ vì bạn nghĩ Hoa là một đứa đạo đức giả, tức Hoa nói một đằng làm một nẻo, điều này không khiến những lập luận của Hoa về việc ngoại tình là điều sai trái trở nên vô lý.
Cụ thể hơn, việc Hoa là một người như thế nào hay nhân phẩm của Hoa ra sao không hề liên quan đến tính đúng sai của lập luận của Hoa về việc ngoại tình là sai về mặt đạo đức. Việc Hoa có thể quan hệ với một trăm anh khác nhau, và lý lẽ mà Hoa đưa ra để chứng minh việc ngoại tình là vô đạo đức không hề liên quan đến nhau.
Trong triết học, đôi khi việc chiến thắng một cuộc tranh luận không phải cái mà triết học hướng tới, mà triết học hướng con người tìm ra chân lý và sự thật. Hơn nữa, hãy luôn ghi nhớ sự khoan dung trong tranh luận. Đây là điều tối quan trọng cho bất kì ai học triết.
Ví dụ, lý lẽ Hoa đưa ra cho việc ngoại tình là sai là vì ngoại tình khiến hạnh phúc gia đình dễ bị đổ vỡ. Lý lẽ này đúng hay sai không hề liên quan đến việc Hoa có trên thực tế ngoại tình hay không. Việc mà bạn có thể kết luận là Hoa không thống nhất trong lời nói và hành động của bản thân cô ấy, hay Hoa đang làm một việc sai trái về mặt đạo đức. Còn việc lập luận “ngoại tình là sai trái” có hợp lý hay không là một việc hoàn toàn khác, và chúng ta cần tách biệt hai vấn đề với nhau. Sau khi đọc bài này, khi một ai đó đưa ra lý do để bạn không tin vào lý lẽ của một người chỉ đơn giản là vì những gì họ làm khác những gì họ nói, bạn nên bình tĩnh để xem xét lập luận của họ có hợp lý hay không theo nguyên tắc mà mình viết phía trên. Chỉ vì cách họ nói và làm không giống nhau mà phủ nhận lý lẽ của họ, đó là một lỗi lập luận.
Hay, bạn có bao giờ gặp trường hợp ngược lại như sau: Tưởng tượng, mẹ bạn bảo “con ơi, có anh A này là người tốt bụng lắm, anh ý rủ mẹ đầu tư vào Thiên Ngọc Minh Uy là có lời 100 triệu sau 2 tháng, mẹ đi đầu tư đây.” Mẹ bạn vừa mắc phải một lỗi lập luận. Lý do duy nhất mẹ bạn đầu tư chỉ vì mẹ bạn nghĩ anh A là người tốt, nhưng việc anh A là người tốt và lý lẽ lập luận cho việc đầu tư vào Thiên Ngọc Minh Uy là hai điều hoàn toàn khác nhau. Điều cần nhớ là, nhân cách và nhân phẩm của người tranh luận không hề liên quan đến tính đúng sai của lập luận. Bạn cần phán xét lập luận một cách riêng biệt và tách hai vấn đề ra khỏi nhau.
Tiếp theo, bạn đã bao giờ nghe đến những quảng cáo kiểu như “9 trên 10 các chuyên gia đều khuyên dùng kem đánh răng Sicalo.” Đây cũng là một lỗi lập luận cực kì phổ biến vì người lập luận đang viện đến thẩm quyền không được kiểm chứng (unqualified authority) để bảo vệ lý lẽ của mình. Với trường hợp này, chúng ta cần đặt câu hỏi 9 trên 10 chuyên gia đó là những chuyên gia trong lĩnh vực nào, là chuyên gia về răng hay chuyên gia điện nước. Kiến thức về răng của một chuyên gia lắp máy chắc cũng không nhiều hơn kiến thức về răng của bạn là mấy. Hay có một số slogan như sau “Hãy sử dụng thuốc an thần Locasi vì ca sĩ Tùng Sơn PTM đang sử dụng nó.” Chỉ vì ca sĩ Tùng Sơn PTM đang sử dụng thuốc an thần Locasi không phải là một lý do tốt để bạn dùng loại thuốc này. Vì sao? Vì kiến thức của ca sĩ Tùng Sơn PTM trong lĩnh vực thần kinh cũng không nhiều hơn bạn là mấy. Nếu hỏi ca sĩ Tùng Sơn PTM về thanh nhạc hay thế giới showbiz thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bởi vậy, khi một ai đó đưa bạn lý do cho một lập luận của họ chỉ vì người nổi tiếng A nói thế này, người nối tiếng B nói thế kia, bạn cần xem xét xem họ có phải là chuyên gia trong lĩnh vực mà lập luận đang đề cập tới hay không.
Lỗi lập luận thứ 3 mà nhiều người hay bị mắc phải là đánh vào cảm xúc. Loài người là một động vật cảm tính, nên chiêu thức đánh vào cảm xúc để chiến thắng một cuộc tranh luận được rất rất nhiều người dùng, đặc biệt là các chính trị gia. Bạn đã bao giờ gặp lý luận kiểu “Thầy ơi, em là một đứa nghèo khổ, cuộc sống của em đã phải chịu thiệt thòi từ bé, cha mẹ mất sớm, em đã phải cố gắng rất nhiều để có thể vào được trường chúng ta, vì vậy thầy hãy cho em qua môn thầy nhé” chưa? Đây là một lỗi lập luận rất rất phổ biến, chỉ vì bạn cảm thấy thương cảm với người đang đưa ra lập luận, bạn có xu hướng tin vào lập luận của họ. Điều một người nên chú ý ở đây là cảm xúc của bản thân bạn hay cảm xúc mà người khác gây nên cho bản thân bạn không hề liên quan đến tính đúng sai của lập luận. Bất kể cảm xúc đó là gì, tội lỗi, thương hại hay thương yêu.
Đây cũng là một chiêu thức mà các chính trị gia rất hay dùng, có chính trị gia sang bên một nước nọ và ăn bún chả – một đặc sản của nước chủ tại, bạn liền thấy chính trị gia đó thật tốt bụng và thân thiện, bạn liền nghĩ rằng chính sách đối ngoại của chính trị gia đó sẽ có lợi cho đất nước của bạn. Nếu lí do duy nhất để bạn tin rằng chính sách đối ngoại của chính trị gia đó tốt vì ông ta là một người thân thiện cộng với việc ông ta ăn cả đĩa bún chả, mình chắc không cần nói các bạn cũng nhận ra lỗi trong cách lập luận trên.
Mình mong với bài viết này, các bạn sẽ nắm được một số điều sau. Để xét xem một lập luận có hợp lý hay không, bạn hãy xem liệu lập luận đó có đảm bảo tính hiệu lực và tính đúng đắn. Trong triết học, đôi khi việc chiến thắng một cuộc tranh luận không phải cái mà triết học hướng tới, mà triết học hướng con người tìm ra chân lý và sự thật. Hơn nữa, hãy luôn ghi nhớ sự khoan dung trong tranh luận. Đây là điều tối quan trọng cho bất kì ai học triết. Hãy bình tĩnh và xem xét lập luận có dựa trên lý do và lý lẽ. Hãy tách biệt lập luận khỏi những vấn đề xung quanh và phán xét nó thật kĩ càng.
Phần 3 hình như phải là Clarity chứ không phải Charity ad ơi. Và cả phần ‘lòng khoan dung’ nữa, mình nghĩ là ad ghi nhầm nên dịch nhầm chăng?
Ad check lại dùm mình nhé! Cảm ơn ad vì đã viết bài ^^
Nói thật phải cảm ơn bạn rất nhiều vì giúp mình nhận ra cái hay của triết học, hóa ra bấy lâu này mình vẫn luôn tư duy triết học mà mình cũng không biết. Cũng thấy buồn xã hội Việt Nam sống quá cảm tính.
Còn rất nhiều vấn đề hay ho nảy sinh từ việc đánh giá tính hợp lệ và hợp lý của một lập luận.
Mời các bạn xem thêm: https://toituduy.net/lap-luan-la-gi/
Đọc đoạn cuối thấy thốn thốn dữ :v