a
§ Tác giả: LynNell Hancock | Nguồn: Smithsonian
Biên dịch: Minh Nhật | Hiệu đính:  Za
30/06/2018

Khi năm học kết thúc ở Trường Phổ thông Hỗn hợp Kirkkojarvi thuộc Espoo, một vùng phụ cận lộn xộn phía tây Helsinki, cũng là lúc Kari Louhivuori, một giáo viên kỳ cựu và đồng thời là hiệu trưởng của trường, đã đưa ra một quyết định gây sốc (xét theo tiêu chuẩn Phần Lan.) Một trong số những học sinh lớp sáu của ông, một cậu bé người Albania gốc Kosovo, đã mất căn bản trầm trọng, bất chấp những nỗ lực hết mình của các giáo viên. Nhóm chuyên gia giáo dục đặc biệt của trường – bao gồm một nhân viên xã hội, một y tá và một nhà tâm lý học – đã thuyết phục Louhivuori rằng lỗi không phải vì cậu bé lười biếng. Vì vậy ông đã quyết định cho cậu ở lại lớp một năm, một biện pháp rất hiếm khi được áp dụng tại Phần Lan đến mức nó hầu như đã bị loại bỏ trên thực tế.

Phần Lan đã cải thiện rất nhiều về các kỹ năng đọc, làm toán và khoa học trong vòng một thập niên qua, phần lớn là nhờ các giáo viên được tin tưởng để thực hiện bất kỳ điều gì mà họ cho là tốt với trẻ em. Thứ mà cậu bé 13 tuổi, Besart Kabashi, nhận được gần giống như sự giáo dục dành cho hoàng gia.

“Tôi đã kèm riêng Besart trong năm học đó,” Louhivuori nói với tôi trong văn phòng của ông, căn phòng có một tấm poster “Yellow Submarine” của nhóm Beatles trên tường và một cây ghi-ta điện trong tủ. Khi Besart không học khoa học, địa lý và toán, cậu được xếp ngồi cạnh bàn của Louhivuori trước một lớp học gồm những học sinh 9 đến 10 tuổi, lật giở những quyển sách từ một chồng sách cao, đọc từ từ từng cuốn một, rồi sau đó là ngấu nghiến hàng tá cuốn. Vào cuối năm học, cậu bé con của những người tị nạn Kosovo đã chinh phục được thứ ngôn ngữ nhiều nguyên âm của đất nước mới và nhận ra rằng, sự thật là, mình có khả năng học tập.

Nhiều năm sau, chàng trai 20 tuổi Besart xuất hiện tại bữa tiệc Giáng sinh của Kirkkojarvi với một chai Cognac và nụ cười toe toét. “Thầy đã giúp em,” anh nói với người giáo viên cũ của mình. Besart đã mở một công ty sửa chữa ô tô và một công ty vệ sinh của riêng mình. “Không có gì to tát cả,” Louhivuori nói với tôi. “Đó là điều chúng tôi làm mỗi ngày: giúp lũ trẻ sẵn sàng để vào đời.”

Câu chuyện về đứa trẻ được cứu vớt này gợi ý về một số lý do cho những thành tựu đáng kinh ngạc về giáo dục của quốc gia Bắc Âu nhỏ bé này, một hiện tượng đã truyền cảm hứng, gây bối rối và thậm chí khiến các bậc phụ huynh cùng những nhà sư phạm người Mỹ phải khó chịu. Việc giáo dục tại Phần Lan đã trở thành một chủ đề nóng bất ngờ sau khi bộ phim tài liệu Waiting for “Superman” (tạm dịch: Chờ đợi “Siêu nhân”), được ra mắt vào năm 2010, đã chỉ ra điểm đối lập giữa nó và những ngôi trường công lập đầy rẫy vấn đề tại Mỹ.

“Sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể” không chỉ là quan điểm chung của 30 giáo viên trường Kirkkojarvi, mà còn là của cả gần 62.000 nhà sư phạm thuộc 3.500 ngôi trường trải dài từ Lapland đến Turku tại Phần Lan – đây là những chuyên gia được tuyển chọn từ danh sách 10% sinh viên tốt nghiệp ưu tú nhất toàn quốc để tiếp tục được đào tạo thạc sỹ về giáo dục. Tại nhiều ngôi trường nhỏ, các giáo viên có thể nắm rõ tất cả học sinh trong trường. Nếu một phương pháp giáo dục không hiệu quả, các giáo viên sẽ cùng nhau trao đổi để tìm ra một phương pháp khác hiệu quả hơn. Điều đó khiến họ trông như đang tận hưởng những thử thách vậy. Gần 30% trẻ em tại Phần Lan được hưởng những hỗ trợ đặc biệt như thế trong suốt chín năm đầu đến trường. Vào năm ngoái, ngôi trường Louhivuori đang theo dạy đã giúp đỡ được 240 học sinh từ lớp một đến chín; trái ngược với sự nổi tiếng về tính đồng nhất dân tộc của Phần Lan, hơn một nửa trong số 150 học sinh trung học cơ sở là dân nhập cư – đến từ Somalia, Iraq, Nga, Bangladesh, Estonia, Ethiopia, và những quốc gia khác. “Những đứa trẻ thuộc các gia đình giàu có và học thức có thể bị dạy dỗ bởi những giáo viên ngớ ngẩn,” Louhivuori cười. “Chúng tôi cố gắng để theo kịp những học sinh yếu. Đó là điều đã ăn sâu vào suy nghĩ của giáo viên chúng tôi.”

Bước chuyển mình trong hệ thống giáo dục Phần Lan bắt đầu vào khoảng 40 năm trước như là chìa khóa thúc đẩy cho kế hoạch hồi phục nền kinh tế quốc gia. Những nhà sư phạm không hề biết rằng họ đã thành công đến thế cho đến tận năm 2000, khi những kết quả đầu tiên của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), một bài kiểm tra tiêu chuẩn dành cho những học sinh 15 tuổi tại hơn 40 khu vực trên toàn cầu, cho thấy giới trẻ Phần Lan là những độc giả trẻ giỏi nhất trên toàn thế giới. Ba năm sau, họ tiếp tục dẫn đầu về môn toán. Đến năm 2006, Phần Lan lần đầu tiên trở thành một trong số 57 quốc gia (và một vài thành phố) dẫn đầu về khoa học. Vào năm 2009, thống kê điểm PISA năm trước đó cho thấy Phần Lan đã vươn lên đứng thứ hai về khoa học, thứ ba về đọc, và thứ sáu về toán giữa gần nửa triệu học sinh khắp thế giới. “Đến giờ tôi vẫn còn thấy ngạc nhiên,” Arjariita Heikkinen, hiệu trưởng trường phổ thông hỗn hợp Helsinki. “Tôi đã không nhận ra được rằng chúng tôi đã thành công đến như thế.”

Tại một Hoa Kỳ nhiều biến động vào giữa thập kỷ trước, các quan chức chính phủ nỗ lực đưa hình thức cạnh tranh thị trường vào những trường công lập. Trong những năm gần đây, một nhóm các chuyên gia tài chính phố Wall và những nhà từ tâm như Bill Gates đã chi tiền vào các ý tưởng thuộc khu vực tư, như voucher, chương trình định hướng dữ liệu (data-driven) và các trường công đặc cách (charter school), những khu vực có số lượng tăng lên gấp đôi trong thập kỷ qua. Tổng thống Obama dường như cũng đã đặt cược vào sự cạnh tranh. Sáng kiến Race to the Top (tạm dịch: Cuộc chiến vinh quang) của ông kêu gọi các bang cạnh tranh với nhau để giành lấy phần thưởng thông qua việc đánh giá giáo viên bằng bài kiểm tra và các phương pháp khác, một triết lý không thể tiến xa được tại Phần Lan. “Tôi nghĩ rằng trên thực tế các nhà giáo sẽ mất đi giá trị của mình,” Timo Heikkinen, hiệu trưởng trường Helsinki với 24 năm kinh nghiệm giảng dạy, phát biểu. “Nếu chỉ chú tâm vào việc đo lường thống kê, bạn sẽ bỏ lỡ khía cạnh con người trong đó.”

Tại Phần Lan, không có một bài kiểm tra tiêu chuẩn bắt buộc nào ngoại trừ một kỳ kiểm tra cuối cấp dành cho các học sinh trung học phổ thông. Không có hệ thống xếp hạng, không có sự so sánh hay cạnh tranh nào giữa các học sinh, các trường, hay các vùng. Những ngôi trường tại đây được chính phủ tài trợ. Những cán bộ thuộc cơ quan chính phủ điều hành hệ thống trường học này, từ cấp quốc gia đến địa phương, đều là những nhà sư phạm, không phải doanh nhân, lãnh đạo quân đội, hay chính trị gia chuyên nghiệp. Tất cả các ngôi trường đều có chung một mục tiêu quốc gia và được rút ra từ những nhà sư phạm được đào tạo tại các trường đại học. Kết quả là trẻ em Phần Lan được hưởng chất lượng giáo dục như nhau cho dù là tại một ngôi làng ở vùng quê hay một thị trấn đại học. Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng cách giữa những học sinh yếu nhất và giỏi nhất tại Phần Lan đạt mức thấp nhất thế giới. “Sự bình đẳng là điểm quan trọng nhất trong nền giáo dục của Phần Lan. Tất cả những đảng phái chính trị hai cánh tả và hữu đều nhất trí về điều này,” Olli Luukkainen, vị chủ tịch hiệp hội giáo viên đầy quyền lực của Phần Lan cho biết.

93% người dân Phần Lan tốt nghiệp từ các trường đại học và trung cấp nghề (cao hơn 17,5% so với Hoa Kỳ) và 66% trong số đó tiếp tục tham gia các chương trình đào tạo cao hơn, đạt tỷ lệ cao nhất trong các quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, mức đầu tư cho mỗi học sinh tại Phần Lan lại ít hơn khoảng 30% so với Hoa Kỳ.

Tuy vậy, vẫn có một sự im lặng đáng ngạc nhiên của người dân Phần Lan vốn nổi tiếng trầm lặng. Họ có thể háo hức ăn mừng chức vô địch thế giới môn hockey, nhưng lại khá thờ ơ với số điểm PISA. Pasi Sahlberg, cựu giáo viên toán và vật lý, hiện đang làm việc tại Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan cho hay: “Chúng tôi dạy lũ trẻ học cách để học, chứ không phải học cách để làm bài kiểm tra. Chúng tôi không quan tâm nhiều đến PISA, vì đó không phải những gì chúng tôi hướng đến.”

Maija Rintola đứng trước lớp học náo nhiệt gồm hai mươi ba học sinh từ bảy đến tám tuổi của cô vào một ngày cuối tháng Tư tại Kirkkojarven Koulu. Đầu cô đội một chùm tua rua nhiều màu trông như một bộ tóc giả được sơn lên. Cô giáo trẻ 20 tuổi đang chỉnh trang lại để chuẩn bị cho ngày Vappu, ngày giáo viên và lũ trẻ khoác lên mình những trang phục sáng tạo để chào mừng Lễ hội Mùa xuân1. Nắng sáng rót qua những tấm vải lanh màu chanh và xám đen dùng để che mát các thùng cỏ Phục sinh mọc trên bệ cửa gỗ. Rintola mỉm cười và nâng bàn tay đang mở theo hướng nghiêng – một phương pháp thử nghiệm mang tên “chú hươu cao cổ lặng im” của cô, dấu hiệu để lũ trẻ biết rằng đã đến lúc phải giữ im lặng. Những chiếc mũ, áo khoác và giày nhỏ nhắn được xếp gọn gàng trong ngăn đựng, lũ trẻ trong những đôi vớ dài, thấp thỏm cạnh chiếc bàn, đợi đến lượt mình để kể về câu chuyện ở sân chơi. Chúng chỉ vừa trở về sau 15 phút giải lao giữa tiết. “Vui chơi là điều quan trọng nhất ở tuổi này,” Rintola nói. “Và chúng tôi xem trọng việc vui chơi.”

Được tự do, các học sinh lấy ra từ bàn học những chiếc túi nhỏ chứa cúc áo, hạt đậu và những tấm thẻ đánh số từ 1 đến 20. Một trợ giảng bước qua vạch kẻ vàng đại diện cho mười đơn vị. Từ tấm bảng tương tác thông minh gắn trước cửa phòng, Rintola dẫn dắt lớp học đến với khái niệm của số mười. Một bé gái mang đôi tai mèo trên đầu không rõ vì lý do gì. Một bé khác đặt con chuột nhồi bông lên bàn như thể đang ở nhà. Rintola dạo quanh phòng để giúp từng học sinh nắm bắt các khái niệm. Những em hoàn thành sớm sẽ tham gia trò chơi “câu đố quả hạch” nâng cao. Sau 40 phút vui chơi, các em tập trung tại quán ăn tự phục vụ được trang trí tựa như một thánh đường để ăn trưa cùng nhau.

Lũ trẻ sẽ học tốt hơn khi chúng đã sẵn sàng. Vậy thì cớ sao ta phải gây áp lực cho chúng?

Các giáo viên tại Phần Lan dành ít thời gian ở trường và tại lớp học hơn những giáo viên người Mỹ. Họ dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng chương trình giảng dạy và đánh giá học sinh của mình. Lũ trẻ có rất nhiều thời gian để vui chơi bên ngoài, kể cả những ngày đông giá rét. Bài tập về nhà được cắt giảm tối đa. Giáo dục bắt buộc không được áp dụng cho đến khi trẻ em lên bảy. “Chúng tôi không có gì phải vội cả,” Louhivuori nói. “Lũ trẻ sẽ học tốt hơn khi chúng đã sẵn sàng. Vậy thì cớ sao ta phải gây áp lực cho chúng?”

Ta sẽ không thể thấy những đứa trẻ đói khát hoặc vô gia cư tại Phần Lan, nhờ vào chính sách ba năm nghỉ thai sản, trợ cấp chăm sóc ban ngày cho phụ huynh và chương trình mẫu giáo cho tất cả trẻ em năm tuổi (với trọng tâm dành cho việc vui chơi và các hoạt động xã hội.) Ngoài ra, mỗi bang còn trợ cấp cho phụ huynh khoảng 150 euro mỗi tháng với mỗi đứa trẻ cho đến khi chúng được 17 tuổi. 97% trẻ em 6 tuổi đến trường mẫu giáo công lập, nơi các em bắt đầu làm quen với không khí trường học. Trường học cung cấp thức ăn, chăm sóc y tế, dịch vụ tư vấn và taxi nếu cần. Chế độ chăm sóc sức khỏe dành cho học sinh thì được miễn phí.

Các em học sinh được thỏa thích vui chơi và sáng tạo. Ảnh: Pxhere.

Dù vậy, Rintola cho biết vào thời điểm lũ trẻ nhập học, tháng Tám năm ngoái, chúng vẫn chưa thể đọc hay sử dụng ngôn ngữ. Đến tháng Tư, gần như toàn bộ học sinh trong lớp đã có thể đọc và hầu hết trong số đó còn có thể viết. Những câu bé đã được dẫn dắt vào thế giới văn học nhờ những cuốn sách như Kapteeni Kalsarin (“Captain Underpants” – tạm dịch: Đội trưởng quần chíp). Những giáo viên giáo dục đặc biệt của trường sẽ làm việc cùng Rintola để kèm cặp năm đứa trẻ gặp vấn đề về học tập và hành vi. Khoảng thời gian duy nhất lũ trẻ phải tách khỏi Rintola là lúc tham gia vào lớp học Ngôn ngữ Thứ hai (tiếng Phần Lan), được giảng dạy bởi một giáo viên có 30 năm kinh nghiệm và được đào tạo sau đại học.

Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ, mặc dù rất hiếm khi xảy ra. Có một cô bé lớp một đã không vào lớp của Rintola. Cô bé bảy tuổi mảnh mai từ Thái Lan, vừa chuyển đến cách đây không lâu này không thể nói một từ Phần Lan nào. Cô bé đang học toán dưới đại sảnh, trong một “lớp học dự bị” đặc biệt được giảng dạy bởi một chuyên gia về giáo dục đa văn hóa. Lớp học đặc biệt này được thiết kế để giúp trẻ em nắm được bài học song song với việc học ngôn ngữ. Những giáo viên trường Kirkkojarvi đã được học cách để có thể đối phó với một số lượng lớn đến bất thường của những học sinh nhập cư. Thành phố Espoo mỗi năm hỗ trợ thêm một khoản chi 82.000 euro cho quỹ “phân biệt đối xử tích cực” (positive discrimination) để trả cho những giáo viên giáo dục đặc biệt, các cố vấn và sáu lớp học phục vụ những nhu cầu đặc biệt.

Rintola sẽ tiếp tục giảng dạy những em học sinh có cùng trường hợp như thế này vào năm sau và có thể trong vòng năm năm tới nữa, tùy thuộc vào nhu cầu của nhà trường. “Cơ cấu giảng dạy này rất hay. Nhờ đó tôi có thể thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với lũ trẻ,” Rintola, giáo viên được trường Louhivuori tuyển chọn 20 năm về trước cho hay. “Tôi hiểu rõ các học sinh của mình.” Song song với việc học tiếng Phần Lan, toán và khoa học, những học sinh lớp một còn được dạy về âm nhạc, mỹ thuật, thể thao, tôn giáo và may đồ thủ công. Các em sẽ được học tiếng Anh khi vào lớp ba, tiếng Thụy Điển khi đến lớp bốn. Các môn sinh học, địa lý, lịch sử, vật lý và hóa học sẽ được bắt đầu giảng dạy từ lớp năm.

Đến lớp sáu, các em học sinh mới có thể lựa chọn tham gia một bài kiểm tra toàn khu vực, và chỉ khi giáo viên của các em đồng ý. Hầu hết đều tham gia vì muốn tìm hiểu về cuộc thi. Kết quả không được công khai. Những nhà sư phạm Phần Lan gặp khó khăn khi cố hiểu được sự mê hoặc của những bài kiểm tra tiêu chuẩn đối với Hoa Kỳ. “Người Mỹ thích mấy loại biểu đồ và đồ thị màu mè cơ,” Louhivuori nói đùa trong khi lục tìm lại những kết quả từ cuộc khảo sát bí mật vào năm ngoái của ông. “Trông có vẻ như chúng tôi đã làm tốt hơn so với trung bình của hai năm về trước,” ông nói sau khi tìm ra các báo cáo. “Mà cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Chúng tôi hiểu lũ trẻ hơn những gì các bài kiểm tra kia thể hiện.”

Tôi đã có dịp ghé thăm Kirkkojarvi để tìm hiểu cách mà người Phần Lan tiếp cận với các học sinh không phải là những tín hữu “Lutheran”, mắt xanh và tóc vàng. Nhưng tôi tự hỏi những thành công đi ngược với xu thế của Kirkkojarvi liệu có phải chỉ là sự may mắn hay không. Một số nhà cải cách bảo thủ hay to mồm ở Mỹ thể hiện sự bất mãn với “Đám đông cuồng Phần Lan” hay cũng có thể gọi là Sự ghen tị với Phần Lan. Họ tranh luận rằng Hoa Kỳ chẳng học hỏi được là bao từ một quốc gia chỉ vỏn vẹn có 5,4 triệu dân – mà 4% trong số đó sinh ra ở nước ngoài. Nhưng có vẻ điều đó không hoàn toàn đúng. Xem xét người hàng xóm Na Uy, một quốc gia có diện tích tương đương, đi theo những chính sách về giáo dục tương tự như Hoa Kỳ, sử dụng các bài kiểm tra tiêu chuẩn và những giáo viên không có bằng thạc sỹ. Và cũng giống như Hoa Kỳ, điểm PISA của Na Uy giậm chân ở mức trung bình trong khoảng thời gian kinh tế có phần khởi sắc hơn trong một thập niên qua.

Để lấy thêm ví dụ thứ hai, tôi hướng về phía đông từ Espoo đến Helsinki và một vùng đất gồ ghề lân cận gọi là Siilitie, trong tiếng Phần Lan có nghĩa là “Hedgehog Road” (tạm dịch: Con đường của những chú nhím) và được biết đến như là nơi sở hữu những dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp lâu đời nhất Phần Lan. Một ngôi trường dạng hộp 50 năm tuổi nằm trong khu rừng, gần góc phố có bến tàu điện ngầm, đóng bên sườn là các trạm xăng và những cửa hàng tiện lợi. Một nửa trong số 200 học sinh từ lớp một đến lớp chín tại trường là những em bị khuyết tật học tập. Tất cả những học sinh mang khiếm khuyết nặng nề đều được tham gia học tập cùng với những em học sinh khác, đúng với chính sách của Phần Lan.

Một lớp gồm những em học sinh lớp một lăng xăng giữa những cây thông và bulô, mỗi em giữ một chồng những tấm thẻ “toán ngoài trời” do giáo viên tự làm. “Tìm một cây gậy to bằng bàn chân em,” một em đọc lên. “Thu thập 50 viên đá và hạt sồi rồi chia chúng ra theo nhóm mười,” một em khác lại hô lên. Những em học sinh bảy và tám tuổi làm việc nhóm cùng nhau để tranh tài xem đội nào là đội thực hiện các yêu cầu nhanh nhất. Aleksi Gustafsson, thạc sỹ trường Đại học Helsinki, đã phát triển phương pháp thực hành này sau khi tham gia một buổi hội thảo miễn phí dành cho các giáo viên. “Tôi đã nghiên cứu xem mức độ hữu ích mà bài thực hành này mang lại cho lũ trẻ,” ông nói. “Trò chơi ngoài trời này khiến lũ trẻ rất vui. Và chúng cũng thực sự đang học khi tham gia trò chơi nữa.”

Chị gái của Gustafsson, cô Nana Germeroth, hiện là cô giáo của một lớp gồm hầu hết những em khiếm khuyết về khả năng học tập; trong khi đó các học sinh của Gustafsson không có vấn đề về hành vi và học tập. Năm nay cả hai kết hợp hầu hết các lớp của họ với nhau để tạo ra giao thoa về ý tưởng và khả năng của cả hai cùng với những cấp độ khác nhau của lũ trẻ. “Chúng tôi biết nhau rất rõ,” chị gái lớn hơn mười tuổi của Germeroth cho biết. “Tôi biết cả việc Aleksi đang nghĩ gì trong đầu.”

Ngôi trường nhận được 47.000 euro mỗi năm cho quỹ phân biệt đối xử tích cực để tuyển những phụ tá và giáo viên giáo dục đặc biệt, những người này được trả lương cao hơn một ít so với các giáo viên đứng lớp khác vì vị trí này yêu cầu đào tạo sáu năm đại học và những đòi hỏi trong công việc của họ. Tại Siilitie, cứ bảy học sinh thì lại có một giáo viên (hoặc trợ giảng) như vậy hướng dẫn.

Trong một lớp học khác, hai giáo viên giáo dục đặc biệt đã xây dựng nên một phương pháp giảng dạy theo nhóm khác. Vào năm ngoái, Kaisa Summa, một giáo viên với năm năm kinh nghiệm đã gặp rắc rối khi cố gắng kiểm soát một nhóm các nam sinh lớp một đầy hiếu động. Cô thường nhìn sang phòng học lớp hai yên tĩnh của cô Paivi Kangasvieri với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, tự hỏi người đồng nghiệp với 25 năm kinh nghiệm kia có thể chia sẻ những bí mật gì cho cô. Học sinh của cả hai giáo viên đều có những năng lực và nhu cầu rất khác nhau. Summa đề nghị Kangasvieri kết hợp hai lớp vào giờ thể dục với hy vọng lan truyền những hành vi tốt. Ý tưởng của cô đã thành công. Năm nay, hai giáo viên đã quyết định trộn hai lớp lại 16 giờ mỗi tuần. “Chúng tôi bổ sung cho nhau,” Kangasvieri nói. Cô nhìn nhận bản thân giống như một “người cha” điềm tĩnh và nghiêm khác còn Summa là một người mẹ ấm áp. Cô cho biết: “Việc dạy học kết hợp đã cho ra hiệu quả cao nhất.”

Thầy hiệu trưởng Arjariita Heikkinen nói với tôi rằng quận Helsinki đã vài lần định đóng cửa ngôi trường vì khu vực xung quanh ngày càng có ít trẻ em hơn nhưng không thành vì người dân đứng lên đấu tranh để bảo vệ trường. Cuối cùng, gần 100% học sinh lớp chín của trường tiếp tục học tiếp lên trung học phổ thông. Ngay cả những học sinh khuyết tật nặng nhất cũng sẽ tìm được một nơi trong hệ thống trung cấp nghề rộng lớn của Phần Lan. Những trường trung cấp này thu nhận 43% học sinh và đào tạo các em để làm việc tại các nhà hàng, bệnh viện, công trường và văn phòng trong tương lai. “Chúng tôi giúp định hướng học sinh vào đúng trường,” phó hiệu trưởng Anne Roselius cho biết. “Chúng tôi quan tâm về những điều sẽ xảy đến với các em trong cuộc sống.”

Những ngôi trường tại Phần Lan không phải lúc nào cũng xuất sắc như vậy. Cho đến tận cuối những năm 1960, Phần Lan vẫn đang cố thoát khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Hầu hết trẻ em rời trường công sau khi hoàn tất lớp sáu. (Phần còn lại vào các trường tư, trường trung học phổ thông và trường nội trú, các trường này thường ít khắc nghiệt hơn.) Chỉ có những học sinh may mắn hoặc có đặc quyền mới được giáo dục một cách chất lượng.

Tình hình bắt đầu thay đổi từ khi Phần Lan nỗ lực xây dựng một tương lai thống nhất từ một quá khứ chia rẽ và đẫm máu. Trong hàng trăm năm, những người dân Phần Lan với tinh thần độc lập mãnh liệt bị kẹt giữa hai thế lực đối lập – nền quân chủ Thụy Điển từ phía Tây và các sa hoàng Nga ở phía đông. Người Phần Lan không phải là người Scandinavi hay Baltic và họ tự hào với nguồn gốc Bắc Âu của mình cùng thứ ngôn ngữ độc đáo mà chỉ có mỗi họ mới có thể yêu quý (và phát âm). Vào năm 1809, sau 600 năm cai trị, Thụy Điển nhượng lại Phần Lan cho người Nga. Sa hoàng lập ra Đại Công quốc Phần Lan, một nhà nước bù nhìn phụ thuộc vào đế chế. Ông dời thủ đô của Phần Lan từ Turku, gần Stockholm, về Helsinki, gần St. Petersburg hơn. Sau khi chế độ sa hoàng sụp đổ dưới tay phe Bolsheviks vào năm 1917, Phần Lan tuyên bố độc lập và đất nước rơi vào nội chiến. Ba cuộc chiến nữa đã nổ ra vào những năm từ 1939 đến 1945 – hai với Liên Xô và một với Đức – để lại một đất nước bị tổn thương và chia rẽ cùng món nợ khổng lồ với người Nga. “Nhưng chúng tôi đã giữ được tự do của mình,” bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa Sasi Sahlberg nói.

Năm 1963, Quốc hội Phần Lan đã đưa ra một quyết định táo bạo là lựa chọn giáo dục công làm bệ phóng cho quá trình khôi phục kinh tế đất nước. “Tôi gọi đó là Giấc mơ lớn của ngành giáo dục Phần Lan,” Sahlberg, tác giả của cuốn Finnish Lessons (tạm dịch: Những bài học từ Phần Lan), dự kiến ra mắt vào tháng Mười, cho hay. “Ý tưởng ấy đơn giản là tất cả những đứa trẻ sẽ được học tại những trường công tốt nhất. Nếu chúng tôi muốn cạnh tranh, chúng tôi phải giáo dục mọi người. Tất cả đều bắt nguồn từ nhu cầu sinh tồn.”

Nói một cách thực tế – mà Phần Lan cũng đã chẳng thành công đến vậy nếu chỉ mơ mộng hão huyền – quyết định này có nghĩa là không để cho mục tiêu chỉ ở trên giấy. Các nhà lập pháp phải thực hiện một kế hoạch tưởng chừng như đơn giản nhằm xây dựng nền tảng cho mọi thứ. Các trường công sẽ được tổ chức vào một hệ thống trường phổ thông hỗn hợp, hay còn gọi là peruskoulu, dành cho những học sinh từ 7 đến 16 tuổi. Giáo viên trên khắp đất nước cùng nhau đóng góp cho một chương trình quốc gia mang tính hướng dẫn thay vì bắt buộc. Ngoài tiếng Phần Lan và Thụy Điển (ngôn ngữ chính thức thứ hai của quốc gia), trẻ em sẽ được học thêm ngôn ngữ thứ ba (tiếng Anh thường được các em yêu thích) khi lên chín. Nguồn lực được phân bổ một cách đồng đều. Khi những trường phổ thông hỗn hợp được cải thiện thì các trường cao trung (lớp 10 đến 12) cũng được cải thiện theo. Quyết định chủ chốt thứ hai được đưa ra vào năm 1979, khi những nhà cải cách yêu cầu tất cả các giáo viên phải được đào tạo theo chương trình thạc sỹ năm năm về lý thuyết và thực hành tại một trong tám trường đại học công – được nhà nước tài trợ. Từ đó, vị thế của nghề giáo được nâng lên ngang tầm với bác sĩ và luật sư. Những ứng viên bắt đầu đổ xô vào ngành sư phạm, không phải bởi mức lương cao mà là do quyền tự chủ và sự tôn trọng khiến công việc trở nên hấp dẫn. Theo Sahlberg, vào năm 2010, tầm 6.600 ứng viên cạnh tranh cho 660 chỉ tiêu đào tạo giáo viên tiểu học. Vào giữa những năm 1980, một loạt các sáng kiến giúp giải phóng các lớp học khỏi những tàn dư cuối cùng của phương thức điều hành từ trên xuống. Quyền kiểm soát các chính sách được giao cho các hội đồng thành phố. Chương trình quốc gia được chuyển thành các hướng dẫn mở. Ví dụ, mục tiêu giảng dạy môn toán quốc gia từ lớp một đến lớp chín được giảm tải xuống còn mười trang giấy. Việc sàng lọc và phân loại học sinh vào những nhóm có cùng khả năng được loại bỏ. Tất cả học sinh – từ thông minh đến ít thông minh – được giảng dạy cùng nhau, với sự giúp đỡ của các giáo viên đặc biệt luôn sẵn sàng để đảm bảo không em nào bị bỏ lại phía sau. Thanh tra giáo dục bị loại bỏ từ đầu những năm 90, trách nhiệm giải trình và kiểm tra được chuyển sang cho các giáo viên và hiệu trưởng. “Chúng tôi có một động lực để vươn đến thành công, đó là tình yêu trong công việc,” Louhivuori nói. “Điều đó đến từ tận sâu trong tấm lòng của chúng tôi.”

Thực tế thì điểm khoa học quốc tế của Phần Lan mới chỉ tăng lên vào thập niên trước. Mà nói cho đúng thì những nỗ lực đầu tiên của quốc gia này có phần giống với kiểu của chủ nghĩa Stalin. Chương trình quốc gia đầu tiên được xây dựng vào đầu những năm 70 dày đến 700 trang. Timo Heikkinen, người bắt đầu giảng dạy tại các trường công của Phần Lan từ năm 1980 và hiện là hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hỗn hợp Kallahti phía Đông Helsinki, nhớ về cái thời hầu hết giáo viên trung học phổ thông ngồi trên bàn đọc bài cho học sinh chép lại.

Nhưng sau thành công thì vẫn còn đó những thách thức. Khoảng thời gian suy thoái tài chính trầm trọng tại Phần Lan vào đầu những năm 90 mang lại những thách thức kinh tế mới cho “quốc gia châu Âu đầy tự tin và quyết đoán” này, theo cách nói của David Kirby trong A Concise History of Finland (tạm dịch: Lịch sử Phần Lan rút gọn). Cùng lúc đó, dân nhập cư tràn vào đất nước, chen chúc trong những dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp và tạo áp lực lên các trường học. Trong một báo cáo gần đây, Viện Hàn lâm Phần Lan cảnh báo rằng một số trường trong các thành phố lớn đang trở nên mất cân bằng về chủng tộc và tầng lớp vì những người Phần Lan giàu có lựa chọn các ngôi trường ít người nghèo và dân nhập cư hơn.

Một vài năm về trước, thầy hiệu trưởng Timo Heikkinen của trường Kallahti bắt đầu phát hiện ra rằng, càng ngày thì những phụ huynh giàu có người Phần Lan bắt đầu gửi con mình đến một hoặc hai ngôi trường khác gần đó, có lẽ do lo lắng về sự gia tăng số lượng trẻ em Somali tại Kallahti. Để đối phó với tình trạng trên, Heikkinen và những giáo viên của ông đã thiết kế ra những khóa học về khoa học môi trường, tận dụng lợi thế nằm gần rừng của trường. Và một phòng thí nghiệm sinh học mới với công nghệ 3-D cho phép các em học sinh lớp trên quan sát máu chảy trong cơ thể người.

Tuy nhiên, Heikkinen thừa nhận rằng những sáng kiến này vẫn chưa bắt kịp với những thay đổi đang diễn ra. “Nhưng chúng tôi vẫn liên tục tìm phương án cải thiện,” ông nói thêm.

Nói theo cách khác, luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể.


  1. Nguyên văn là May Day, ám chỉ ngày đầu tiên của tháng Năm. Đây là thời điểm diễn ra ngày hội Vappu, ngày hội lớn thứ hai trong năm sau Lễ Noel và đón chào năm mới của Phần Lan.

One thought on “Bài học thành công từ những ngôi trường tại Phần Lan

  1. Đọc bài này tui thấy tội và tiếc nuối cho các em hs cấp 1 2 hiện nay. Chìm ngập trong học thêm, bài tập. Giáo viên đúng chất làm công ăn lương, phụ huynh chỉ biết đóng tiền và tìm mọi cách đưa con đi học từ sáng tới tối.

Leave a Reply to Phong Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất